Mỹ giảm thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 400% về 58%. Vải Bắc Giang đậu quả đạt 95%. Sơn La đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 162 triệu USD. Chìa khóa xuất khẩu gạo sang Bắc Âu là chất lượng đồng nhất.
MỸ GIẢM THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ MẬT ONG VIỆT NAM TỪ 400% VỀ 58%
Bộ Thương mại Hoa Kỳ - DOC vừa ban hành kết luận cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam, Argentina, Brazil và Ấn Độ. Theo đó, thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm gần 7 lần, từ mức 411% - 414% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,7% - 61,3%. Đây là tín hiệu rất tích cực, hứa hẹn sẽ tạo đòn bẩy cho ngành mật ong nước nhà phục hồi trở lại sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn.Hiện nay, ngành nuôi ong mang lại việc làm cho khoảng hơn 35 vạn hộ nông dân và tạo ra sản lượng mật hàng năm khoảng 70.000 tấn; trong đó, 90% sản lượng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
VẢI BẮC GIANG ĐẬU QUẢ ĐẠT 95%
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang, năm nay trà vải sớm ra hoa đạt tỷ lệ hơn 95%; vải thiều chính vụ đạt 75%, cao hơn năm 2021 từ 3-5%.Khảo sát tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn, hiện trà vải sớm đang trong giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả đạt khoảng 90% tổng diện tích, cao hơn năm ngoái từ 3-5%.Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, năm nay vải ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ cao là do thời tiết thuận lợi, thời gian rét kéo dài giúp cây phân hoá mầm hoa cao. Bên cạnh đó, có nhiều ngày mưa, nắng đan xen nên cây giữ được nước, thụ phấn, sinh trưởng tốt. Hiện ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang tích cực khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là đục cuống quả.
SƠN LA ĐẶT MỤC TIÊU XUẤT KHẨU NÔNG SẢN ĐẠT 162 TRIỆU USD
Sơn La đặt mục tiêu giá trị nông sản tham gia xuất khẩu trong năm nay đạt hơn 162 triệu USD, tăng 11,3 triệu USD so với 2021 và dự kiến sẽ xuất khẩu trên 28.000 tấn trái cây, chủ yếu là xoài, nhãn, chuối, chanh leo, mận hậu...Theo đó, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, chú trọng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng nông sản.Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp, cấp mã số vùng trồng, quản lý sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nước ngoài và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
CHÌA KHOÁ XUẤT KHẨU GẠO SANG BẮC ÂU LÀ CHẤT LƯỢNG ĐỒNG NHẤT
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu, gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có mức tăng trưởng rõ rệt nhất trong các năm gần đây vào thị trường này. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể nhờ lợi thế cạnh tranh về thuế so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt, Thương vụ đang tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Bắc Âu cần coi “Chất lượng nhất quán là chìa khóa”. Theo đó, cần có một quy trình sản xuất đáng tin cậy và được quản lý tốt để đảm bảo mức chất lượng nhất quán từ quá trình giới thiệu sản phẩm tới lúc kết lúc hợp đồng. Hiệp hội lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của nước ta năm 2022 sang thị trường Châu Âu đạt tối thiểu 60.000 tấn.