100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa, bê tông là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Thái Nguyên.
Nâng cấp hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế miền núi
Đây là tuyến đường liên xóm, xã độc đạo của bà con nhân dân xã Liên Minh, huyện Võ Nhai. Đường đất, đá lại đèo, dốc…là một trở ngại đối với bà con nhân dân nơi đây mỗi khi đưa đón con đi học hay mua, bán nông sản.
Chị ĐẶNG THỊ THU
Xóm Khuôn Nang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
“Nói chung đường trong này khó khăn lắm cứ mưa cái là phải dắt, các cháu đi học thì khó khăn toàn phải đi xe đạp phải dắt. Đường thì nhấp nhô ổ gà ổ trâu, khó khăn lắm, đường lại toàn lên dốc. Đi bộ chắc tầm, nếu ở nhà chị xuống đi bộ khoảng 3,4 cây.”
Anh LÝ VĂN HÙNG
Xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
“Bây giờ chở hàng hóa trông được cây sản phầm từ nông nghiệp chẳng hạn vận chuyển đi nếu ở ngoài kia người ta bán giá đắt gấp đôi trong mình này đường đi lại khó khăn mà mang vác toàn bằng người không được bao nhiêu.”
Còn đây là con đường từ xóm Vân Khánh đi xóm Liên Phương thuộc xã Văn Lăng. Đoạn đường có tổng chiều dài 7,5 km nhưng đều là đường đất, đá gập ghềnh. Vì vậy, việc đi lại, thu mua nông sản gặp nhiều khó khăn khi con đường này chưa được đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, qua khảo sát, đánh giá, con đường sẽ được tập trung, đầu tư để đảm bảo kết nối, thông thương hàng hóa cho người dân.
Bà NGUYỄN THỊ NGUYỆT
Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
“Hiện nay còn tuyến liện huyện, xã chúng tôi còn khoảng 7,5 km đường khó khăn hiện nay đang trong chương trình theo kế hoạch của huyện để hướng tới hỗ trợ cho bà con nhân dân đẻ xây dựng tạo con đường cho bà con phát triển KTXH. Ngoài tuyến đường chính ra chúng tôi còn khoảng gần 10 km đường ngõ, xóm mà dân cư thưa thớt, ngoài xi măng của nhà nước cần nguồn kinh phí hỗ trợ giúp bà con nhân dân mới thực hiện được.”
Giai đoạn 2015 - 2020 từ nguồn vốn chương trình 135 huyện đã được đầu tư trên 60 tỷ đồng cho hạ tầng cơ sở, sản xuất, đào tạo nghề. Với nguồn lực từ chương trình này, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm được trên 3%. Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 2021 - 2025, huyện Đồng Hỷ được phân bổ nguồn vốn trên 100 tỷ đồng sẽ góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư có trọng tậm, trọng điểm vào các dự án, trong đó có hạ tầng giao thông.
Ông VŨ XUÂN THÁI
Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
“Huyện đồng hỷ được phân hơn 100 tỷ đồng chúng tôi sẽ cùng các ngành lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo để tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu, phấn đấu 2025 huyện Đồng Hỷ thành huyện nông thôn mới. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách của huyện nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để đầu tư đường bê tông vào các ngõ, xóm của các xóm, nhà văn hóa, các kết cấu hạ tầng khác để cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn.”
Sau 10 năm thực hiện, lồng ghép các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, nhà nước và Quốc hội, giao thông miền núi nói đã có những bước phát triển nhanh chóng. Nhiều công trình được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì hơn 345.000 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới, sửa chữa hơn 31.000 cầu. Mục tiêu của chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với giao thông đó là nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 3.250 km đường nông thôn phục vụ đi lại, sản xuất cho bà con nhân dân.