Nga cấm xuất khẩu lúa mì cứng trong 6 tháng. Xuất khẩu cao su được kỳ vọng cải thiện về lượng và giá trị. Sản phẩm OCOP của Bình Định phải tạo được dấu ấn riêng. Lễ Hội Vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương năm 2023.
Nga cấm xuất khẩu lúa mì cứng trong 6 tháng
Minh Phúc khai thác
Hãng Thông tấn TASS cho biết, Chính phủ Nga thông báo Tiểu ban Hải quan Nga đã phê chuẩn đề xuất của Bộ Nông nghiệp Nga về việc tạm thời cấm xuất khẩu lúa mì cứngcủa Nga trong 6 tháng: từ tháng 12/2023 đến hết tháng 5/2024 để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Biện pháp này được đưa ra để đảm bảo an ninh lương thực và kiềm chế giá tiêu dùng đối với các sản phẩm chế biến ngũ cốc trên thị trường nội địa.
Lúa mỳ cứng là loại lúa mì dùng để sản xuất bánh mỳ và mỳ ống. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, cấm xuất khẩu lúa mì cứng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, đẩy mạnh nhu cầu ở thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu cao su được kỳ vọng cải thiện về lượng và giá trị
Minh Phúc khai thác
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,27 triệu tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 9,3% về lượng, nhưng giảm 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.319 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Cục Xuất nhập khẩu lưu ý, tại thị trường Trung Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà... Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã…
Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cao su từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ cải thiện cả về lượng và giá trị.
Sản phẩm OCOP của Bình Định phải tạo được dấu ấn riêng
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Mục tiêu của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Bình Định là xây dựng được những sản phẩm mang đặc trưng địa phương, gắn kết cộng đồng trong từng sản phẩm nhằm tạo dấu ấn riêng. Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 223 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó: có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 183 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Sản phẩm OCOP của Bình Định từng bước được người tiêu dùng đón nhận; phục vụ đắc lực cho các sản phẩm du lịch của địa phương… Để tiếp tục tạo không gian phát triển cho sản phẩm OCOP, tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2023 – 2025 nhằm hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để nâng cao chất lượng; tăng cường hoạt động đầu tư, xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường...
Lễ Hội Vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương năm 2023
Quang Linh sản xuất
Lễ Hội Vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lần thứ 3 – năm 2023. Vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Thương Mại trên địa bàn xã Tức Tranh.
Đêm lễ hội đã diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Hương sắc xứ trà”, tôn vinh các làng nghề chè tiêu biểu và trình diễn trang phục dân tộc, giao lưu văn nghệ xứ trà. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh tới trải nghiệm không gian văn hóa trà. Qua đó, quảng bá rộng rãi hình ảnh và các sản phẩm chè của huyện đến với đông đảo khách hàng.
Là 1 trong 2 địa phương có diện tích chè lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, Phú Lương hiện có hơn 4.100 ha tập trung phần lớn ở các xã phía đông gồm Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc. Mỗi năm sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt hơn 45.000 tấn mang về giá trị hơn 1.200 tỷ đồng cho người sản xuất và chế biến.