Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, mỗi nghệ nhân, thợ giỏi đều là nguồn cảm hứng cho người lao động để cùng tạo ra được sản phẩm làng nghề có giá trị.
Trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm gặp gỡ 100 nghệ nhân, thợ giỏi đại diện cho hơn 2.000 nghệ nhân, thợ giỏi, và hơn 3 triệu 650 nghìn lao động trong lĩnh vực ngành nghề trong cả nước. Nhiều tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân, thợ giỏi đã được gửi tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan với mong muốn gìn giữ nghề của cha ông để lại và cống hiến nhiều hơn các tác phẩm thủ công, mỹ nghệ cho sự phát triển chung của đất nước.
Anh A HUỲNH - Nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân gian của đồng bào dân tộc Gia Lai
Mong muốn lớn nhất là phát huy giá trị văn hóa bản sắc của người dân tộc Gia Lai gìn giữ cho các thế hệ và bảo tồn.
Bà HÀ THỊ VINH - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam
Mong muốn ngày 20-2 là ngày Bác Hồ về thăm Bát Tràng được công nhận là ngày làng nghề Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi. Lực lượng này được xem như hồn cốt của các nghề, làng nghề truyền thống. Đó là những người biến các sản phẩm đơn thuần thành các tác phẩm nghệ thuật “những tài hoa kết tinh giá trị”, đóng góp cho việc tạo dựng văn hóa Việt, văn hóa là nghề và truyền lại cho con cháu đời sau.
Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Mỗi nghệ nhân, thợ giỏi có thể truyền cảm hứng cho những người lao động cùng tạo ra được sản phẩm làng nghề, trong sản phẩm đó có bóng dáng của nghệ nhân làng nghề. Làm sao để những sản phẩm ở tỉnh Hà Giang, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Long An đều được mọi người biết đến.
Từ năm 2018, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề, làng nghề. Triển khai nhiệm vụ được giao, ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, khu vực ngành nghề nông thôn đang thu hút hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, HTX và các hộ nghề sản xuất, giải quyết công ăn việc cho khoảng 3,7 triệu lao động. Quy mô của ngành nghề nông thôn có doanh thu hơn 200.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD. Nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè thế giới.