Để nuôi thủy sản bằng lồng bè được thuận lợi, hạn chế dịch bệnh, hao hụt cao, người nuôi cần chung tay bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Nghề nuôi biển: Cần bảo vệ môi trường vùng nuôi
Chúng tôi có mặt tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, nơi được coi là khu nuôi thủy sản bằng lồng bè nhiều nhất ở Khánh Hòa. Đứng trên cầu cảng Đầm Môn có thể nhìn thấy hàng nghìn lồng bè nằm san sát gần bờ. Việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi cho thủy sản cũng vì thế mà trở nên tất bật, liên tục.
Hơn 10 năm nay, sống bằng nghề nuôi tôm tại khu vực Đầm Môn ông Nguyễn Văn Dư cho biết, từ 2017 đến nay, việc nuôi tôm hùm của bà con “rớt lên rớt xuống”, tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp nhất từ 30 đến 40%, còn hao hụt nhiều lên đến trên 50%.
Không chỉ ông Dư, gia đình ông Phạm Thanh Tùng, ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) 3 năm gần đây nuôi thủy sản bằng lồng bè cũng không có lãi. Bởi môi trường, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, tôm thả nuôi của gia đình bị hao hụt cao. Đặc biệt lứa tôm hùm thả 5.000 con mới đây thu hoạch chỉ còn 1.500 con, lỗ khoảng 700 triệu đồng.
Ông Phạm Thanh Tùng, ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh)
Nói chung ô nhiễm thì chỗ nào cũng ô nhiễm, chứ không riêng chỗ này. Các bè ở xã, khác cũng vậy chứ không riêng ở Đầm Môn. Ô nhiễm là ô nhiễm hết, giờ nuôi chỗ nào cũng hao chứ không một mình chỗ đây bị hao đâu.
Trước thực trạng môi trường vùng nuôi ngày càng báo động, bên cạnh việc sắp xếp lại vùng nuôi, giảm mật độ lồng bè ngoài quy hoạch thì việc người nuôi chung tay bảo vệ môi trường, thu gom thức ăn thừa, không vức rác thải xuống biển là rất cần thiết. UBND huyện Vạn Ninh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo cho các xã, thị trấn ven biển chủ động xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản bằng các hình thức phù hợp đảm bảo theo quy định của pháp luật.