Người dân ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau vào những ngày tết là người dân nơi đây tát đìa thu hoạch cá đồng dự trữ để ăn và bán cho thương lái.
Người dân miền Tây tát đìa thu hoạch cá ăn tết
Gia đình ông Tư Chiến ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình tát đìa. Theo ông Tư, dịp cận tết năm nào gia đình ông cũng tát đìa bắt cá đồng. Tuy lượng cá đã giảm so với trước đây nhưng vẫn đủ để thực phẩm cho gia đình trong những ngày Tết.
Ông ĐÀO QUYẾT CHIẾN - Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau: “Tát đìa lớp thì bắt cá, lớp thì bắt hoi vì hồi đó cá nhiều lắm. Hồi đó tát đìa một lần là vài trăm kg cá giờ chỉ còn vài chục kg. Tát đìa cũng đủ ăn, có khá hơn thì bán được một vài triệu.”
Người dân miền Tây tát đìa thu hoạch cá ăn tết
Theo lời kể của người dân, ngày xưa tát đìa rất đông vui, một nhà tát đìa thì cả xóm đều có cá ăn. Do lượng cá nhiều nên mọi người đến để mần “vần công” với nhau, xong nhà này thì đến lượt nhà khác, Vì thế mà tình làng nghĩa xóm luôn thắt chặt.
Anh LÊ HOÀNG ĐỆ - Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau: “Nhiều nhất là cá lóc, cá that lát… Cá Thát lát là cá đặc sản ở vì làm chả rất ngon. Tát đìa thường lối 24-25 âm lịch,… tát đìa kiếm mớ cá để cúng ông bà.”
Anh NGÔ MINH CHIỂU - Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau: “Về quê thấy không khí thoải mái vì gia đình mình xuất phát là nông dân nên khi tát đìa là mình rất mê. Ở Cà Mau tát đìa thì có cá lóc thì mình nướng, nấu canh chua, còn cá rô thì mình kho tiêu là món truyền thống.”
Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, có những thanh niên tuy làm ăn xa quê nhưng vẫn thường hẹn nhau về quê tát đìa. Khi con nước cạn, gió bấc thổi lao xao là lúc mùa tát đìa lại bắt đầu. Cứ như thế, tát đìa như một đặc ân ở vùng sông nước miền Tây./.