Ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh của tỉnh Cà Mau cá đồng là nguồn lợi giúp người dân có nguồn thu đáng kể trong năm.
Tuy những năm ngần đây nguồn lợi này đã giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ nghịch với điều đó là giá trị kinh tế của con cá đồng tự nhiên ngày càng tăng cao, giúp người dân có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi khi mùa thu hoach cá đồng đến.
Mùa thu hoạch cá đồng chính được chia thành hai giai đoạn, trước và sau tết. Dịp gần tết, người dân sẽ chụp đìa (sử dụng lưới chuyên dụng để bắt cá).
Thời gian này, mùa khô mới đến chưa lâu lên các kênh mương nối với những ao đìa nước còn rất lớn, cá chưa dồn về ao đìa nhiều, người dân chỉ có thể chụp đìa để thu hoạch một phần cá cung ứng cho thị trường tết. Giá cá đồng vào dịp này thường tăng rất cao do thị trường cần nhiều.
Theo anh Nguyễn Văn Toàn, một thương lái thu mua cá đồng tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Cá đồng cận tết vừa rồi rất hút hàng, giá cá tăng 20 – 30%.
Cụ thể, cá lóc loại 1 (từ 300g/con trở lên), cân tại nhà dân giá tới 90.000đ/kg, cá rô trung bình vào khoảng 30 – 50.000đ/kg tùy loại. “Trừ con cá bổi (cá sặc rằn) do phát triển mạnh nuôi thâm canh nên giá thấp, còn các loại cá khác hàng bao nhiêu đưa lên các đầu mối cung cấp tuyến trên đều lấy hết”. Anh Toàn nói.
Đến thời điểm này đang vào giai đoạn thu hoạch cá bằng hình thức tát đìa. Người dân sẽ dùng máy tát cạn nước trong các ao đìa bắt cá.
Đợt thu hoạch này sẽ nhiều hơn đợt trước, tuy giá không còn được cao như trước tết nhưng mỗi gia đình có thể kiếm được năm ba triệu là chuyện thường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, giá cá lóc loại 1 chỉ còn 80.000đ/kg. Còn các loại cá khác cũng ít nhiều xuống giá. Nhưng so với cùng kỳ năm trước và thường ngày giá cá vẫn cao nên nhiều bà con rất phấn khởi.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Cá đồng đã được quy hoạch phát triển, theo đó đến năm 2020 sản lượng sẽ đạt 50.000 tấn/năm. Để đạt được con số này ngành nông nghiệp tỉnh cần tập trung vào ba giải pháp: Mở rộng diện tích nuôi cá đồng từ 100.000ha hiện nay lên 130.000ha; hỗ trợ người nuôi từ 3-5 tấn cá giống mỗi năm; khuyến khích người dân nuôi cá đồng để phát triển kinh tế gia đình. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, hộ dân ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hồ hởi nói: “Trước tết chụp đìa đã được hơn ba triệu đồng, nay tát đìa được thêm gần 6 triệu nữa nên mùa thu hoạch năm nay là thành công. Tuy sản lượng có giảm nhưng nhờ có giá nên nguồn thu không thua năm trước”.
Theo bà con địa phương, cá đồng do tự nhiên mà có, họ không nuôi cũng chẳn cần chăm sóc. Bắt đầu vào những tháng mùa mưa nước ngập hết ruộng đồng thì cá đồng không biết từ đâu tự nhiên sinh trưởng và phát triển.
Người dân sẽ tiến hành khai thác bằng nhiều hình thức cho đến khi mùa thu hoạch chính bắt đầu vào dịp gần tết. Cá đồng có hơn chục loại, trong đó phổ biến các loại có giá trị kinh tế cao như: Cá lóc, trê, rô, bổi, thác lác, chạch…
Trước đây để bắt những loài cá này người dân thường dùng cách truyền thống là giăng câu và lưới, đến mùa thì chụp, tát rồi bắt thủ công. Nay giá trị con cá đồng ngày càng tăng cao, một bộ phận người dân đã dùng đến xiệc điện săn bắt cá.
Bên cạnh đó hình thức khai thác cá non không đúng quy định, kèm theo việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản này.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, nếu như sản lượng cá đồng của Cà Mau trước đây trung bình mỗi năm đạt 30.000 tấn (cả cá nuôi) thì sản lượng vụ mùa năm 2014-2015 ước chỉ đạt khoảng 20.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với cùng kỳ.
Đây là sản lượng thấp nhất từ trước đến nay. Hiện nay các ngành chức năng đang ra sức ngăn chặn việc khai thác, đánh bắt cá đồng sai quy định và quy hoạch nuôi cá đồng để đảm bảo phát triển nguồn lợi thủy sản này.