Anh Hứa Minh Hùng, ở ấp Vàm, xã An Quãng Hữu, huyện Trà Cú, Trà Vinh là người tiên phong khôi phục nghề sản xuất bột từ cây nưa, giúp tăng giá trị kinh tế nhiều lần so với việc bán củ tươi.
Người tiên phong phát triển nghề làm bột nưa trên vùng đất giồng cát
Nưa là một loại cây lấy củ, có khả năng chịu hạn và sinh trưởng tốt trên đất giồng cát ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Trước đây, người dân chủ yếu trồng nưa để làm thực phẩm và thuốc dân gian cho gia đình, nhưng ít được biết đến. Vào năm 2016, anh Hứa Minh Hùng ở ấp Vàm, đã tiên phong khôi phục nghề sản xuất bột nưa truyền thống. Anh thu mua củ nưa và chế biến thành bột, mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với bán củ.
Anh Hứa Minh Hùng (ấp Vàm, xã An Quãng Hữu): Cây nưa thấy nó có công dụng giải nhiệt, làm bánh ăn được, làm nước uống giải nhiệt cơ thể, đường ruột đồ thấy nó cũng tốt. Rồi mình làm phát triển từ từ đến năm 2016 thấy người tiêu dùng ưa chuộng rồi mình làm cơ sở phát triển.
Theo anh Hùng, quy trình sản xuất bột nưa bắt đầu bằng việc phân loại củ, sau đó rửa sạch và cho vào máy xay nhuyễn để lọc lấy nước. Sau khi lọc, nước được để lắng, rồi loại bỏ phần nước phía trên, chỉ giữ lại phần tinh bột. Tiếp theo, tinh bột được sấy khô bằng máy. Trước đây, khi chưa có máy sấy, công đoạn này phải phơi nắng, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Giờ đây, nhờ có máy sấy, chỉ sau khoảng 4 giờ đã có thể thu được thành phẩm bột nưa. Bột nưa sau khi tinh chế có màu trắng mịn, đạt chất lượng cao và được sử dụng trong chế biến thực phẩm, sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, và dược phẩm. Ngoài ra, bột nưa cũng được dùng để làm các loại bánh, kẹo, miến, và hủ tiếu, tinh bột nưa còn có thể dùng trong công nghiệp làm hồ vải. Hàng năm, cơ sở của anh Hùng cung cấp ra thị trường 10 tấn bột nưa, với giá 130.000 đồng/kg, góp phần nâng cao giá trị loại cây hoang dã này.
Anh Hứa Minh Hùng: Hiện nay, nói về lớn thì chưa đủ số lượng để xuất khẩu, trong nước thì cũng đở. Cũng nhờ chỗ Sở Công thương, Khuyến công cho giấy tờ xúc tuyến quảng bá để mở rộng thị trường, thì mình mở rộng ra thêm để giúp đở bà con.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, cơ sở sản xuất bột nưa của anh Hùng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng địa phương. Huyện đang tập trung phát triển diện tích trồng nưa tại xã An Quảng Hữu để trở thành cây chủ lực của địa phương.
Trong năm 2023, xã An Quảng Hữu có 14 hộ trồng nưa trên diện tích 4,5 ha, với năng suất đạt từ 35-40 tấn/ha. Mỗi ha mang lại thu nhập từ 150-200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tuy nhiên, việc trồng nưa hiện vẫn còn mang tính tự phát, kỹ thuật canh tác chưa bền vững, và nguồn giống thì hạn chế. Địa phương đang hợp tác với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ để nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và canh tác cây nưa. Đồng thời, huyện sẽ triển khai các giải pháp phát triển vùng trồng tập trung, khuyến khích sự liên kết trong sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường, và nâng cao thu nhập cho nông dân.