Sóc Trăng đã triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, nhằm hỗ trợ cho ngư dân sinh sống tại vùng ven biển chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
Sóc Trăng tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân vùng biển chuyển đổi nghề
Ông Bùi Thanh Hoàng ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, hơn 13 năm bám trụ với nghề khai thác thủy sản biển ven bờ, do nguồn lợi hải sản đang dần suy giảm nên việc khai thác gặp nhiều khó khăn, ông quyết định bỏ nghề, quyết định lên bờ phát triển kinh tế sau khi được ngành chức năng khuyến cáo vận động.
Phát biểu Ông BÙI THANH HOÀNG - Xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Lúc đầu tiên cũng gặp khó lắm tại gì cái nghề người ta làm nó quen, đầu tiên như làm đất, cắt cỏ không quên, dần đàn nó cũng quen, sau này nó như cái nghề làm được hết”
Toàn xã An Thạnh Nam trước đây có trên 100 chiếc tàu đánh bắt thủy sản thì hiện nay chỉ còn vài chục chiếc, do người dân chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, tham gia vào HTX nuôi thủy sản, phát triển du lịch, liên kết sản xuất để phát triển kinh tế bền vững hơn.
Phát biểu Ông TRẦN QUỐC MINH - Xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Đi mua bán nó khỏe hơn ở dưới biển chứ nó cực khổ lắm, thức đêm thức hôm bắt buộc phải đi, ở trên bờ mình bán sang mình đi chiều tối mình ngủ khỏe không có bận bịu công chuyện gì, còn này nữa đêm cũng phải đi, trời gió cũng phải đi.”
Phát biểu Anh TRƯƠNG VĂN DŨNG - Xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Cái nguồn lợi thủy sản giờ nó cạn kiệt quá nên người dân đánh bắt ít và cạn kiệt rồi, chương trịnh dự án khai thác cho người dân dưới tán rừng để nuôi ốc len, vọp vào bảo vệ động vật hoang dã, từ đó mình bỏ nghề đánh bắt thủy sản để mình nuôi ốc len, vọp dưới tán rừng này”
Từ năm 2014, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 5 nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ, để tập hợp tất cả những ngư dân có hoạt động khai thác hải sản vùng ven cùng hoạt động kinh tế tập thể, qua đó đã thu hút được 413 bà con ngư dân tham gia.
Phát biểu Ông LƯ TẤN HÒA - Chi cục Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng: “Chúng tôi có hỗ trợ mô hình sinh kế cho bà con ngư dân như đào tạo nghề về đan vỏ ni long, hỗ trợ các thiết bị để bảo quản sản phẩm, hỗ trợ những cái thiết thực trong phòng chống thiên tai cũng như là cứu hộ cứu nạn cho các đội tàu vùng ven bờ, đặc biệt từ năm 2014 đến nay chúng tôi có mô hình chuyển đổi thành công nhất là nuôi thủy sản dưới tán rừng”.
Toàn tỉnh hiện có 1.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, có 339 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đang hoạt động vùng khơi.
Hiện nay trong quá trình chuyển đổi nghề cho ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn, khi phần lớn ngư dân mưu sinh bằng nghề khai thác hải sản ven bờ không có đất đai, nguồn thu nhập chính dựa vào khai thác. Vì thế, khi vận động bà con chuyển đổi sang nghề khác đòi hỏi phải có nguồn kinh phí, tập huấn nghề. Quan trọng nhất là tạo sự ổn định cho bà con về chỗ ổ, bởi hiện nay nhiều ngư dân không có đất đai, sống chủ yếu trên ghe, tàu.