| Hotline: 0983.970.780

Còn nhiều khó khăn khi thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển

Thứ Hai 27/03/2023 , 13:49 (GMT+7)

Sóc Trăng Chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác hải sản ven biển ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có lộ trình cụ thể, lựa chọn nghề phù hợp.

Khai thác hải sản là một trong những nghề truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản do hoạt động khai thác thiếu bền vững, từ những năm 2014, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều mô hình nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.

Đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều mô hình nhằm hỗ trợ ngư dân vùng ven biển chuyển đổi nghề. Ảnh: Kim Anh.

Đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều mô hình nhằm hỗ trợ ngư dân vùng ven biển chuyển đổi nghề. Ảnh: Kim Anh.

Ông Bùi Thanh Hoàng ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, hơn 13 năm bám trụ với nghề khai thác hải sản biển ven bờ. Sau khi được ngành chức năng khuyến cáo và vận động chuyển đổi nghề, ông Hoàng quyết định bán tàu cá, lên bờ phát triển kinh tế.

Ông Hoàng chia sẻ, sở dĩ ông quyết định “buông” nghề khai thác biển, bởi trước tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác hải sản thiếu bền vững đã làm cho nguồn lợi hải sản đánh bắt không còn nhiều. Với sự hỗ trợ từ dự án chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng, ông được hỗ trợ nguồn vốn để thuê đất nuôi tôm công nghiệp. Vì quen với cuộc sống lênh đênh trên biển, giai đoạn đầu khi thực hiện chuyển đổi, ông Hoàng gặp rất nhiều khó khăn, trong 2 năm đầu tiên ông thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, học hỏi bạn bè để bắt đầu lại với nghề nuôi tôm công nghiệp, giờ đây cuộc sống và thu nhập tương đối ổn định.

Qua lời tâm sự của ông Hoàng thì trước đây xã An Thạnh Nam có tới trên 100 tàu hoạt động khai thác hải sản ven bờ. Vài năm trở lại đây bà con bắt đầu chuyển đổi kinh tế sang trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản khá nhiều, nên số lượng tàu khai thác hải sản giảm dần. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều ngư dân chuyển đổi nghề cùng tham gia vào HTX An Phú Hưng để nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, liên kết sản xuất để phát triển kinh tế bền vững hơn.

Ông Bùi Thanh Hoàng sau khi được ngành chức năng khuyến cáo và vận động chuyển đổi nghề, ông quyết định bán tàu cá, lên bờ phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Bùi Thanh Hoàng sau khi được ngành chức năng khuyến cáo và vận động chuyển đổi nghề, ông quyết định bán tàu cá, lên bờ phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Vũ.

Theo Ông Lư Tấn Hòa, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nhiều năm qua hoạt động khai thác hải sản, đặc biệt là vùng ven bờ, nguồn lợi hải sản đang dần suy giảm. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân khai thác vùng ven bờ. Tỉnh đã thành lập 5 nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ, để tập hợp tất cả những ngư dân có hoạt động khai thác hải sản vùng ven cùng hoạt động kinh tế tập thể, qua đó đã thu hút được 413 bà con ngư dân tham gia. Hay mô hình đào tạo nghề đan đát, nuôi thủy sản dưới tán rừng, nuôi tôm nước lợ. Vài năm gần đây, ngư dân tham gia chuyển đổi nghề cũng phát triển thêm loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng khai thác giá trị vùng biển mang lại.

Song song đó, từ năm 2014, ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng triển khai một số hoạt động hỗ trợ bà con chuyển đổi từ nghề cào sang nghề lưới rê, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, mùa vụ chính của nghề lưới rê khai thác ven bờ chỉ hoạt động hiệu quả từ tháng 10 đến hết tháng 4 âm lịch. Do đó, hiệu quả chuyển đổi nghề cho bà con cũng không đạt như kỳ vọng.

Đối với nghề khai thác hải sản vùng khơi, hiện nay toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 339 phương tiện tàu có chiều dài từ 15m đang hoạt động xa bờ. Tuy nhiên nhiều phương tiện sản lượng khai thác mang lại hiệu quả không cao. Đặc biệt ở Sóc Trăng, nghề cào chiếm tới 46% trong tổng số các nghề khai thác hải sản trên biển, đây được xem là hoạt động ảnh hưởng lớn đến môi trường. ông Hòa cho rằng cần thiết phải thực hiện chuyển đổi nghề cho bà con.

Tuy nhiên, ông Hòa băn khoăn, đối với hoạt động đánh bắt xa bờ muốn thực hiện chuyển đổi cần nguồn vốn lớn. Hơn nữa cần phải có thời gian để ngư dân tiếp cận, nắm vững một số nghề khác như lưới rê. Vì thế đòi hỏi phải thực hiện lộ trình giảm dần nghề cào, tiếp đến là lựa chọn nghề chuyển đổi phù hợp cho bà con.

Sóc Trăng đã thành lập 5 nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ, để tập hợp tất cả những ngư dân có hoạt động khai thác hải sản vùng ven cùng hoạt động kinh tế tập thể. Ảnh: Văn Vũ.

Sóc Trăng đã thành lập 5 nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ, để tập hợp tất cả những ngư dân có hoạt động khai thác hải sản vùng ven cùng hoạt động kinh tế tập thể. Ảnh: Văn Vũ.

“Hiện nay trong quá trình chuyển đổi nghề cho ngư dân cũng phát sinh nhiều khó khăn, khi phần lớn ngư dân mưu sinh bằng nghề khai thác hải sản ven bờ không có đất đai, nguồn thu nhập chính dựa vào khai thác. Vì thế, khi vận động bà con chuyển đổi sang nghề khai thác thân thiện hơn đòi hỏi phải có nguồn kinh phí, tập huấn nghề, sắm ngư lưới cụ và sửa sang tàu”, ông Hòa phân tích.

Như trường hợp của ông Trần Quốc Minh ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, nghề khai thác hải sản ven biển đã gắn bó với ông từ khi 15 tuổi. Nghề này cũng mang lại cuộc sống ổn định, khấm khá cho gia đình ông. Hiện nay, nhận thấy việc khai thác hải sản biển không còn hiệu quả, ông có mong muốn được chuyển đổi nghề, nhưng lại không có vốn. Bản thân ông cũng chưa xác định được nghề phù hợp để thực hiện chuyển đổi.

Cũng theo ông Lư Tấn Hòa, nếu ngư dân chuyển sang nghề mới đòi hỏi phải có nguồn vốn, tư liệu sản xuất, đào tạo tập huấn nghề và cần có thời gian để bà con làm quen với nghề mới. Quan trọng nhất là tạo sự ổn định cho bà con về chỗ ổ, bởi hiện nay nhiều ngư dân không có đất đai, sống chủ yếu trên ghe, tàu. Với những hộ không đủ điều kiện, việc thực hiện chuyển đổi nghề rất khó triển khai hiệu quả.

Ngày 10/3/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái”.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 339 phương tiện tàu có chiều dài từ 15m đang hoạt động xa bờ. Ảnh: Kim Anh.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 339 phương tiện tàu có chiều dài từ 15m đang hoạt động xa bờ. Ảnh: Kim Anh.

Bộ NN-PTNT là đơn vị chủ trì triển khai 2 dự án ưu tiên là: Dự án thí điểm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản và Dự án truyền thông về chuyển đổi nghề khai thác hải sản.

Trong giai đoạn 2023 – 2024, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khai thác hải sản. Đặc biệt là quy định quản lý nghề cá giải trí gắn với việc phát triển cộng đồng ngư dân. Chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản và chính sách đào tạo nghề cho người lao động chuyển đổi nghề.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm