Những việc cần làm ngay của ngành thủy lợi. Hồ Kẻ Gỗ xấp xỉ mực nước chết. Đồng Nai có 207 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp. ĐBSCL tăng tốc sản xuất vụ thu đông.
Những việc cần làm ngay của ngành thủy lợi
Duy Học – Minh Phúc sx
Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2023), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ những khó khăn, thách thức và cả cơ hội của ngành Thủy lợi trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề cập đến những việc cần làm ngay, như nghiên cứu về việc xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng tại vị trí cống Xuân Quan và cống Long Tửu để dâng nước, chủ động cấp nguồn cho các hệ thống thủy lợi như Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, vận hành thuận lợi các trạm bơm và làm sống dậy sông Nhuệ, sông Đáy.
Thứ hai là nghiên cứu để đầu tư xây dựng, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi. Như hồ Định Bình của tỉnh Bình Định, có thể nâng chiều cao đập để nâng dung tích trữ của hồ thêm 150.000m3, qua đó cắt lũ gây ngập lụt cho toàn bộ vùng Nam Đình Định.
Tại ĐBSCL, cần nghiên cứu đầu tư các công trình để kiểm soát mặn, ngọt tại sông Hàm Luông và sông Vàm Cỏ...
Hồ Kẻ Gỗ xấp xỉ mực nước chết
Thanh Nga sx
Hồ chứa nước Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ năm 1976 với sức chứa 345 triệu m3 nước. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm của Hà Tĩnh, phục vụ tưới tiêu cho hơn 13.000 ha/vụ của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Năm 2023, đại hạn kéo dài trong nhiều tháng khiến mực nước hồ giảm thấp kỷ lục trong vòng 7 năm qua. Hiện cao trình nước lòng hồ chỉ còn 17m trên mực nước thiết kế 32,5m, xấp xỉ mực nước chết. Trong lòng hồ những cồn đất lớn nằm trơ trọi, bùn đất nứt nẻ do hạn. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đơn vị quản lý, vận hành và khai thác hồ Kẻ Gỗ cho hay, thời điểm này đã kết thúc tưới sản xuất vụ hè thu nên mực nước giảm sâu không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của bà con.
Đồng Nai có 207 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp
Minh Sáng sx
Tính đến cuối tháng 8 năm 2023, Đồng Nai có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết đạt tối thiểu 50% giá trị sản lượng sản phẩm toàn ngành; phê duyệt hỗ trợ 84 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, các doanh nghiệp, HTX, nông dân đã phát huy vai trò trong thực hiện hiệu quả Nghị định 98 của Chính phủ và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 143 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu, diện tích cây trồng cấp mã số được nhân rộng; có nhiều sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu tốt thị trường khó tính Nhật Bản…khẳng định hiệu quả của chuỗi liên kết. Tuy nhiên, còn một số bất cập như một số chuỗi liên kết vẫn thiếu tính bền vững, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân dễ đứt gãy; cần quan tâm công tác đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo HTX…
ĐBSCL TĂNG TỐC SẢN XUẤT VỤ THU ĐÔNG
Khai thác
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 638 USD/tấn và đang cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan khoảng 10 USD/tấn. Cục Trồng trọt đã chỉ đạo nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Kế hoạch ban đầu là 650.000 ha, nay nâng lên 700.000 ha. Theo tính toán, nếu tăng thêm 50.000 ha, ĐBSCL sẽ có thêm khoảng 300.000 tấn lúa phục vụ xuất khẩu. Việc giá lúa gạo tăng nhiều so với năm 2022 là cơ sở để nông dân có thêm thu nhập tái đầu tư cho vụ Thu Đông. Với giá lúa hiện nay khoảng 8.500 đồng/kg, nông dân tại nhiều địa phương đã tập trung vụ mới. Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng các chuyên gia nhận định việc tăng sản lượng không quan trọng bằng việc tăng chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất để nông dân vừa bán được giá lúa cao, vừa thu được nhiều lợi nhuận hơn và bền vững