Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD. Nông dân Thái Lan lo lắng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm. 90% trang trại chăn nuôi heo tại Đồng Nai sử dụng hệ thống máng ăn tự động. Củ cải được mùa, được giá, nông dân phấn khởi mở rộng diện tích.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ ĐẠT 335 triệu USD
Ngày 21/11, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị”. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Thực tế, nông nghiệp hữu cơ trong nước vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục để phát triển tương xứng nhu cầu thị trường. Từ cơ chế chính sách, người sản xuất cho đến người dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đều phải tiếp tục hoàn thiện, và thay đổi. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ cả nước năm 2016 là hơn 53.000ha, năm 2020 tăng lên 174.300ha; tăng 47% so với năm 2016. Đến năm năm 2021, hầu hết các địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm, tới 180 thị trường trên thế giới.
NÔNG DÂN THÁI LAN LO LẮNG XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG SANG TRUNG QUỐC GIẢM
Theo tông tin được báo South China Morning Post đăng tải gần đây, nông dân Thái Lan đang lo lắng sau khi Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai – sau Thái Lan trong khối ASEAN, được xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng tươi sang Trung Quốc.Người trồng sầu riêng Thái Lan cho rằng, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sẽ giảm xuống do Việt Nam nằm gần Trung Quốc hơn và có sự kiểm soát chất lượng tốt hơn.Chuyên gia nông nghiệp Thái Lan Sakda Sinives cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, ngay cả khi không có sự khác biệt rõ ràng về hương vị thì sầu riêng từ Việt Nam sẽ dần được người dân trả với giá cao hơn, còn giá sầu riêng từ Thái Lan sẽ giảm.
90% TRANG TRẠI CHĂN NUÔI HEO TẠI ĐỒNG NAI SỬ DỤNG HỆ THỐNG MÁNG ĂN TỰ ĐỘNG
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai thông tin, đến tháng 9/2022, tổng đàn heo của tỉnh khoảng 2,56 triệu con, tổng đàn gà khoảng 26,1 triệu con. Mô hình chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Có khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trang trại tập trung, đồng thời áp dụng các quy trình về an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại các trang trại nuôi heo, công nghệ tự động, bán tự động được áp dụng rộng rãi với trên 90% trang trại sử dụng hệ thống máng ăn, nước uống tự động và bán tự động. Số trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín đạt 21%. Ngoài ra, số trang trại có hệ thống xử lý chất thải đạt gần 90%.
CỦ CẢI ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ, NÔNG DÂN PHẤN KHỞI MỞ RỘNG DIỆN TÍCH
Những ngày này, củ cải vùng đất cát ven biển đang vào mùa thu hoạch chính với giá bán cao, các vùng sản xuất tập trung ở Hà Tĩnh đang đẩy mạnh sản xuất, vừa chăm sóc và mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu thị trường.Theo người dân địa phương, đầu vụ, củ cải bán với giá 15.000 đồng/kg, bây giờ, giá xuống còn 8.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, củ cải vừa được mùa, vừa được giá nên người dân có động lực để đẩy mạnh sản xuất hơn.Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ đông năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng gần 30 ha diện tích củ cải. Theo đánh giá bước đầu, củ cải năm nay cho năng suất cao và được giá. Bình quân 1 ha, người dân thu hoạch đạt sản lượng 10-15 tấn. Với giá bán trung bình đạt 8.000 đồng/kg, bà con nông dân Hà Tĩnh thu về khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha.