Nông dân trồng lúa gặp khó do mưa bão. Hoàn thành nâng cấp hạng mục trọng yếu hồ Dầu Tiếng trước 15/8. Hàng nghìn lồng bè cản trở tàu thuyền cập bến. Hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mưa dầm kèm theo dông lốc trong những ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa hè thu của nông dân Hậu Giang bị ảnh hưởng và thiệt hại.
Qua rà soát nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 170ha lúa giai đoạn trổ-chín bị đổ ngã, tỷ lệ lúa đổ ngã từ 5-30% trên cùng diện tích canh tác. Trong đó có gần 45ha thiệt hại với tỷ lệ từ 10-30% trên địa bàn thị xã Long Mỹ.
Đối với lúa thu đông, hiện ghi nhận có hơn 50ha ở giai đoạn mạ bị ngập úng, trong đó có 7ha bị thiệt hại từ 20-25%, hiện nông dân đang chủ động bơm thoát nước.
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương vận động nông dân gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại do mưa, giông gây ra.
Hoàn thành nâng cấp hạng mục trọng yếu hồ Dầu Tiếng trước 15/8
Trần Trung – Trần Phi sản xuất
Dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng Giai đoạn 2 (2021-2025) được Bộ NNPTNT phê duyệt, giao Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam làm Chủ đầu tư với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, đến nay công ty đã hoàn tất sửa chữa gia cố, chỉnh trang mặt đập chính; 3 đoạn kênh Tây và một số đoạn đập phụ. Đối với hạng mục nâng cấp Tràn xả lũ và cống dẫn dòng, để ứng phó với tình hình mùa mưa bão đang diễn ra, công ty đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu cố gắng hoàn thiện trước 3/6 cống, chậm nhất vào 15/8 để kịp đưa vào vận hành bảo đảm mục tiêu tích nước, phòng và cắt lũ cho khu vực hạ du, các cống còn lại dự kiến sẽ hoàn thành năm năm 2025.
Hàng nghìn lồng bè cản trở tàu thuyền cập bến
Quốc Toản Sx
Vùng cửa sông Lạch Bạng, đoạn chảy qua các phường Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm và Bình Minh, thị xã Nghi Sơn, từ năm 2012 là khu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân.
Tuy nhiên, nhiều năm qua hàng chục hộ dân chiếm dụng mặt nước nơi này, đóng lồng bè nuôi cá, hàu và vẹm đen, gây cản trở tàu thuyền ra vào. Có thời điểm còn rất ít vị trí để tàu bè neo đậu hoặc gặp khó khăn khi di chuyển.
Theo kiểm đếm của chính quyền, hiện có hơn 70 hộ dân thả khoảng 1.600 ô lồng, bè mảng để nuôi cá, nuôi hàu và vẹm đen tại khu vực trên. Hoạt động này hoàn toàn tự phát, không được cơ quan chức năng cho phép.
Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn, Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa tuyên truyền, vận động người dân giải phóng bè mảng, di dời các lồng bè nuôi thủy sản tại Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng. Đến nay, tại âu thuyền đã có hàng chục bè mảng nuôi hàu, vẹm, cá lồng trái phép đã được các hộ dân tự nguyện tháo dỡ.
Hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thanh Nga sx
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 575 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó 111 hợp tác xã trồng trọt, 98 hợp tác xã chăn nuôi, 93 hợp tác xã thủy sản, lâm nghiệp và 273 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hà Tĩnh thẩm định thành lập thêm được 7 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đồng thời, thực hiện lồng ghép triển khai các chương trình, dự án của ngành NN-PTNT nhằm hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Chọn lọc một số doanh nghiệp có năng lực để phối hợp với HTX, người dân trong việc xây dựng chuỗi liên kết theo hướng doanh nghiệp ứng vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra.