Sạt lở 10 căn nhà trên sông Bình Thủy. 135 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản vùng biển Vĩnh Châu. 4 doanh nghiệp lớn liên kết canh tác lúa thông minh tại Đồng Tháp. Chăn nuôi an toàn sinh học là xu thế tất yếu.
Đây là hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng vào sáng nay, làm ảnh hưởng 10 căn nhà của người dân tại khu vực Bình yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ.
Vị trí sạt lở có chiều dài khoảng 70 mét, ăn sâu vào bờ 8 mét, may mắn không gây thương tích về người, nhưng thiệt hại nhiều về tài sản.
Khu vực sạt lở hiện đang xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm. Theo ghi nhận đến 11 giờ trưa hôm nay, chính quyền địa phương vẫn đang huy động nhiều lực lượng hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản, căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân phòng tránh.
Tuyến sông Bình Thủy đã từng bị ảnh hưởng sạt lở trong những năm qua. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Bình Thủy đã báo cáo về thành phố, đề xuất xây dựng các tuyến kè chống sạt lở hai bên bờ sông để bảo vệ nhà cửa, tài sản của người dân cũng như các công trình ven sông.
135 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản vùng biển Vĩnh Châu
Kim Anh sx
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có chuyến khảo sát thực địa hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản và khu nuôi tôm thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.
Trên địa bàn thị xã hiện có 28 cống chủ lực phục vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ. Trước tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn khắc nghiệt khiến một số công trình đã được đầu tư xây dựng lâu năm, nay xuống cấp.
Sở NN-PTNT đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng mới cống NoPol, Bồ Kệnh và mở rộng cống số 5 thuộc hệ thống cống đê biển Vĩnh Châu, với tổng kinh phí 135 tỷ đồng.
Theo ông Lâu, trong bối cảnh tiềm lực tài chính còn hạn chế, với những dự án quy mô lớn mang tính lâu dài, UBND tỉnh sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ. Đối với những dự án cấp thiết, phục vụ trước mắt cho người dân, tỉnh Sóc Trăng sẽ cân đối đầu tư.
4 doanh nghiệp lớn liên kết canh tác lúa thông minh tại Đồng Tháp
Lê Hoàng Vũ sx
Để chuẩn bị bước vào vụ lúa thu đông 2024 tại ĐBSCL, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện liên kết với các doanh nghiệp triển khai mô hình thí điểm “Canh tác lúa thông minh giảm phát thải” tại HTX nông nghiệp Thắng Lợi, ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp với diện tích 1,6ha.
Tại mô hình, Công ty Sài Gòn Kim Hồng và Công ty cơ khí Phan Tân phụ trách cơ giới hóa làm đất, thu hoạch băm rơm rạ và kết hợp bón phân Đầu Trâu Biocanxi của Phân bón Bình Điền; sạ cụm kết hợp vùi phân để giảm giống, giảm phân bón. Công ty Vinarice cung cấp giống lúa chất lượng cao và bao tiêu thu mua lúa cho nông sân sau thu hoạch. Mục tiêu của mô hình là giúp nông dân giảm giá thành từ 20-25% so với cách sản xuất truyền thống.
Chăn nuôi an toàn sinh học là xu thế tất yếu
Trung Quân sx
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hà Nam tổ chức sáng 31/5.
Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ, hiện nay hoạt động chăn nuôi đang phải đối diện với nhiều mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh mới; tình trạng kháng kháng sinh, bệnh lây truyền qua thực phẩm... Đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở, khó kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Do đó, chăn nuôi an toàn sinh học là một xu thế tất yếu để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.