| Hotline: 0983.970.780

IFAD đề xuất nâng tầm chương trình OCOP

Thứ Ba 14/06/2022 , 17:51 (GMT+7)

Tại buổi họp với Bộ NN-PTNT chiều 14/6, đại diện IFAD đề xuất nâng tầm quy mô của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên cấp quốc gia.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT tiếp Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) Reehana Raza. Ảnh: Bảo Thắng.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT tiếp Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) Reehana Raza. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam nói chung và Bộ NN-PTNT nói riêng với Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) qua nhiều chương trình, dự án về kỹ thuật hiệu quả như dự án “Mạng lưới nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông”, dự án “Hợp tác Nam - Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu”, dự án “Hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”… và các khoản vay của các địa phương hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển lâm nghiệp và phát triển sinh kế cho các tổ chức nông dân/hợp tác xã và người dân tại các tỉnh nghèo của Việt Nam.

Ông Nigel Brett, nguyên Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định Việt Nam và Bộ NN-PTNT là đối tác quan trọng của IFAD tại khu vực. Trải qua 25 năm, tổ chức đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều chương trình trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện đang bước sang giai đoạn 3 của quá trình triển khai thực hiện.

Sản phẩm cá trắm đen sông Đà của tỉnh Hòa Bình.

Sản phẩm cá trắm đen sông Đà của tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã đạt được những kết quả khả quan khi hợp tác xây dựng chương trình Mỗi làng một sản phẩm OCOP.

"Chúng tôi kỳ vọng chương trình OCOP sẽ phát triển từ quy mô nhỏ lên tầm quốc gia", ông Brett nói và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ Bộ NN-PTNT trong thời gian tiếp theo của chương trình.

Tháng 3 vừa qua, dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới” với sự hỗ trợ của IFAD đã kết thúc. Dự án đã giúp hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, thương mại các sản phẩm hàng hóa dịch vụ tại khu vực nông thôn và trở thành nền tảng để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Đại diện IFAD ghi nhận nỗ lực và vai trò của Bộ NN-PTNT trong chương trình Mạng lưới nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thông (IPSARD), đặc biệt trước tác động của Covid-19.

Các dự án quan trọng hỗ trợ nền nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu

Trong thời gian tới, IFAD sẽ công bố Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSAT), hỗ trợ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre trong chuyển đổi nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức kỳ vọng vào sự phối hợp của Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long để dự án được triển khai một cách suôn sẻ và hiệu quả.

Ông Brett cũng đề cập tới Dự án giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ (RECAF). Sự hỗ trợ của Bộ cũng giúp đảm bảo thành công của chương trình tại các khu vực nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua các dự án nông lâm. Đây là chương trình được tài trợ từ nguồn vốn ODA của IFAD và vốn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Ở dự án này, IFAD mong phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp để đảm bảo thời gian, tiến độ triển khai dự án. Theo ông, đây là một cơ hội tuyệt vời để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của Bộ NN-PTNT với IFAD.

Bà Reehana Raza, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFAD. Ảnh: Bảo Thắng. 

Bà Reehana Raza, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFAD. Ảnh: Bảo Thắng. 

Tại cuộc gặp, bà Reehana Raza, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFAD đánh giá với sự hợp tác của hai bên trong thời gian qua, hai dự án mới là CSAT và RECAF đã đạt được những bước tiến. Bà nhận định ngành nông nghiệp đang chịu tác động từ nhiều cuộc khủng hoảng trong đó có cuộc chiến Nga - Ukraine nhưng thời điểm khó khăn này cũng là cơ hội để hai bên hợp tác sâu rộng hơn, đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác hiệu quả.

Theo IFAD, các dự án trên có thể giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại mạnh mẽ tại công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đưa mức phát thải ròng về "0" đến năm 2050; và giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030. Cùng đó, giúp Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Ảnh: Bảo Thắng.

Phản hồi ý kiến của phía IFAD, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam vì đây là khu vực sản xuất các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản. Trong các chiến lược của ngành nông nghiệp cũng đã lồng ghép các dự án và kế hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long trước thách thức về biến đổi khí hậu.

Ông đồng tình với đề xuất của IFAD về việc mở rộng quy mô chương trình OCOP vì đây là một trong những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới trong dài hạn.

Thứ trưởng cũng đề nghị IFAD cùng phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng đề xuất các khoản viện trợ không hoàn lại từ các quỹ phát triển như GCF, các đối tác song phương khác... để hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, trong đó bao gồm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn, quy hoạch phát triển cảnh quan trong nông nghiệp, du lịch canh nông, phát triển OCOP và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đại diện Bộ NN-PTNT đề nghị IFAD hỗ trợ các địa phương thông qua các khoản vay để phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và các hỗ trợ kỹ thuật về quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, phát triển trồng rừng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kêu gọi IFAD huy động các chuyên gia cao cấp về phát triển nông nghiệp nông thôn hỗ trợ cho Bộ trong việc phát triển thể chế và tư vấn trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các dự án hỗ trợ của IFAD tại Việt Nam được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, đi vào thực chất. Với nhiều dự án hợp tác trong thời gian tới, Bộ sẽ làm việc để xác định, sắp xếp các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của hai bên.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất