Tại Hội nghị Bộ trưởng APEC về An ninh lương thực diễn ra ngày 26/8 tại Thái Lan, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có bài phát biểu trực tuyến, trong đó nhấn mạnh Việt Nam tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung ứng 'minh bạch, trách nhiệm, bền vững'.
Chủ đề: Kế hoạch thực hiện Lộ trình an ninh lương thực APEC tới năm 2030
Kính thưa Ngài Chalermchai Srion (Cha-lem-chai Sri-on), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan
Kính thưa các Ngài Bộ trưởng, phụ trách về an ninh lương thực của các nền kinh tế APEC
Thưa Quý vị đại biểu
Hội nghị Bộ trưởng APEC về An ninh lương thực năm nay diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi chúng ta vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu làm COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Giá lương thực tăng cao, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia. Các cuộc xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng đang đặt thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp toàn cầu nói chung và khu vực Châu Á – Thái Binh dương nói riêng.
An ninh lương thực luôn là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Đây cũng là "chìa khóa" quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia, là tiền đề để những quốc gia này hội nhập hiệu quả hơn vào thị trường khu vực và quốc tế. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của nông dân nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị. Việt Nam cam kết tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung ứng “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Đối tác chính sách về An ninh lương thực của APEC (PPFS) xây dựng Kế hoạch thực hiện Lộ trình An ninh lương thực khu vực tới năm 2030 để xây dựng một hệ thống lương thực, thực phẩm của APEC minh bạch, năng suất, bền vững và có khả năng chống chịu, đáp ứng nhu cầu về lương thực và dinh dưỡng trong khu vực. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác và tham gia cùng các nền kinh tế thành viên APEC để thực hiện Kế hoạch, đồng thời sẽ đảm nhiệm chủ trì hoạt động “Xác định các chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm để tăng năng suất của các doanh nghiệm vừa, nhỏ và siêu nhỏ, và các hộ sản xuất quy mô nhỏ trong ngành nông nghiệp, thực phẩm và thủy sản” trong Kế hoạch này. Tôi đề xuất chúng ta có thể xem xét và tổ chức Hội nghị thường niên các doanh nghiệp trong khu vực APEC để thúc đẩy thương mại, đầu tư nông nghiệp, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu.
Thưa Quý vị đại biểu
Với sự quy tụ của 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới và 57% GDP toàn cầu, APEC đã và đang khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất trên thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động phức tạp với nhiều diễn biến khó lường về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, thị trường… là nhiệm vụ và lộ trình mà APEC cần thực hiện đồng thời là trách nhiệm của mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Tôi tin tưởng rằng tại Hội nghị này, chúng ta sẽ thông qua Kế hoạch thực hiện Lộ trình An ninh lương thực khu vực tới năm 2030, làm cơ sở để các nền kinh tế thành viên triển khai các hoạt động hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực.
Chúc quí vị và các bạn sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!