| Hotline: 0983.970.780

Chủ trại nuôi ba ba chia sẻ bài học nhớ đời

Thứ Ba 26/07/2022 , 10:24 (GMT+7)

HÀ NỘI 13 năm trước, anh Lai ôm mộng làm giàu từ nuôi ba ba, nhưng rồi những lứa đầu, ba ba chết cả loạt. Những kinh nghiệm xương máu giúp anh trụ vững với nghề...

Mất mát quá lớn khi vào nghề

Đam mê chăn nuôi, anh Vũ Văn Lai (thôn Thần Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã vượt mọi khó khăn, mở trang trại ba ba, cho thu nhập khá.

Tận mắt nhìn trang trại ba ba áp dụng mô hình “trên bờ trồng cây ăn trái, dưới ao thả ba ba” của anh Lai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Quy mô trang trại rộng 2,7 mẫu, nuôi ba ba gai và ba ba trơn, chia thành các khu nuôi ba ba theo từng giai đoạn như khu vực dành riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu nuôi dưỡng ba ba mới nở... Khu nào cũng khang trang, tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Xung quanh mỗi ao nuôi đều có đê bao, lối đi thẳng tắp và vách rào bằng xi măng, tránh không cho ba ba leo lên bờ.

Để có được trang trại quy mô lớn như hiện nay, 38 tuổi đời, anh Vũ Văn Lai đã phải trải qua không ít khó khăn, thất bại. Ảnh: Diệu Vy.

Để có được trang trại quy mô lớn như hiện nay, 38 tuổi đời, anh Vũ Văn Lai đã phải trải qua không ít khó khăn, thất bại. Ảnh: Diệu Vy.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lai kể: Năm 2009, đất thôn Thần Quy bị bỏ hoang nhiều, người dân không canh tác nên khá lãng phí. Lúc đấy, địa phương lại bùng phát dịch ốc bươu vàng. Nhận thấy nuôi ba ba có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có là ốc bươu vàng cùng với nguồn cá rô phi giá rẻ tại địa phương, giá bán ba ba lại ổn định hơn so với các vật nuôi khác, anh quyết tâm đầu tư trang trại. Ban đầu không có vốn, anh vay mượn được 20 triệu đồng, thuê 700m2 đất đồng trũng làm trại, mua 20 con ba ba gai 1 tháng tuổi về nuôi.

Thời gian đầu, anh ăn ngủ tại trại để chăm sóc ba ba một cách chu đáo. Thế nhưng sau vài tháng nuôi, đàn ba ba có hiểu hiện chậm ăn, dịch bệnh và chết cả loạt.

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, anh Lai tâm sự: “Nguyên nhân chủ yếu là do tôi thiếu kiến thức, thông tin. Mất mát quá lớn nhưng tôi không buông xuôi mà trăn trở tìm kiếm thông tin về việc chăm sóc ba ba đúng cách. Tôi tìm gặp những người có kinh nghiệm chăn nuôi, học hỏi kiến thức, đặc biệt là cách chữa trị khi ba ba gặp dịch bệnh”.

Sau một thời gian tìm hiểu, nhận ra chế độ dinh dưỡng và vệ sinh ao nuôi của mình chưa hợp lý, anh quyết định làm lại từ đầu. Anh chịu khó đi làm thêm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền lo cho gia đình, và dồn tâm huyết xây dựng trang trại mới. Đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình theo đuổi đam mê chăn nuôi của anh Lai.

Rút kinh nghiệm từ lứa nuôi đầu tiên, kết hợp với sự sáng tạo ra những phương pháp chăn nuôi riêng, những lứa sau, đàn ba ba của trang trại anh Lai đã phát triển thuận lợi, dần mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

So sánh hiệu quả nuôi 2 loại ba ba gai và ba ba trơn, anh Lai phân tích: Ba ba gai nuôi nhanh lớn, sức đề kháng tốt, tuy nhiên, thời gian nuôi từ con giống đến lúc xuất bán khá lâu, mất từ 4 - 5 năm, giá mua con giống cũng khá cao, khoảng 300.000 đồng/con loại 100g. Trong khi đó, giá ba ba trơn loại giống 100g chỉ có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/con, thời gian nuôi từ con giống đến lúc bán thương phẩm chỉ từ 2 - 3 năm.

Nuôi ba ba, nhu cầu vẫn còn lớn

Xuất phát từ ý tưởng cung cấp con giống ba ba chất lượng cao cho bà con đến học hỏi mô hình chăn nuôi, năm 2015, anh Lai gom tiền xây dựng nhà ấp trứng, bể ương nuôi ba ba.

Cùng với việc nhập ba ba bố mẹ chất lượng cao từ trại giống uy tín, anh còn thu gom cả trứng ba ba đạt tiêu chuẩn mang về ấp. Trứng ba ba sau khi đẻ cần được thu gom luôn, đưa vào phòng ấp có nhiệt kế, kiểm soát nhiệt độ trong khoảng 28 – 32 độ C, độ ẩm 75 - 85%. Đủ thời gian 60  - 70 ngày, trứng sẽ nở.

Nhờ cách làm này, trang trại của anh có thể đáp ứng nhu cầu thị trường về con giống và con thương phẩm một cách linh hoạt nhất.

Hiện tại, trang trại của anh Lai đang cung cấp con giống từ 1 ngày tuổi đến 7 tháng tuổi. Ba ba thương phẩm có giá bán khá ổn định từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Với những hộ mới nuôi ba ba chưa có đầu ra, trang trại của anh nhận bao tiêu để bà con yên tâm. Ảnh: Diệu Vy.

Hiện tại, trang trại của anh Lai đang cung cấp con giống từ 1 ngày tuổi đến 7 tháng tuổi. Ba ba thương phẩm có giá bán khá ổn định từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Với những hộ mới nuôi ba ba chưa có đầu ra, trang trại của anh nhận bao tiêu để bà con yên tâm. Ảnh: Diệu Vy.

Trước nhu cầu thị trường ngày một tăng, anh Lai mạnh dạn liên kết chăn nuôi với 2.500 trang trại vệ tinh từ Đà Nẵng đến Móng Cái (Quảng Ninh). Ngoài trang trại chăn nuôi thương phẩm, anh còn lựa chọn một số trang trại tiêu chuẩn để chuyển giao mô hình nuôi con giống bố mẹ.

Với những hộ lần đầu nuôi ba ba, anh Lai khuyên: Khâu chuẩn bị ao nuôi ba ba, cần xây bờ kè cẩn thận. Đối với ba ba nhỏ, bà con nên xây bờ cao từ 25 - 30cm. Còn đối với ba ba thịt kích thước lớn thì phải có bờ kè cao từ 50 - 60cm”.

Anh cũng không ngần ngại chia sẻ những bí quyết, cách chăm sóc ba ba mà mình nghiên cứu, tích lũy được từ thực tiễn, đặc biệt với những địa phương ở miền Bắc, mùa đông lạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của ba ba.

“Nhiệt độ mùa đông thấp, nhất là ở những vùng núi cao, bà con cần thả nhiều bèo tây ngăn gió lùa, đồng thời bổ sung nước giếng khoan vào ao. Đặc biệt, cần bổ sung thức ăn trước mùa đông nhằm giúp ba ba khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng”, anh nói.

Cũng theo anh Lai, ba ba có ưu điểm là loài ăn tạp, dễ nuôi. Người nuôi có thể sử dụng đa dạng nguồn thức ăn cho ba ba, gồm giun quế, ốc, hến, cá... và cả phế phẩm phối trộn cùng với cám đậm đặc.

Với ba ba 4 tháng tuổi trở đi, thức ăn tiêu tốn khoảng 4 - 6% trọng lượng cơ thể /ngày, bình quân 1 tấn ba ba tiêu thụ khoảng 40 - 60kg thức ăn/ngày. Thời gian cho ba ba ăn nên từ 5h chiều đến 6h sáng, khi thời tiết mát, yên tĩnh.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, anh Lai đã trụ vững với nghề nuôi ba ba, cho thu nhập ổn định. Ảnh: Diệu Vy.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, anh Lai đã trụ vững với nghề nuôi ba ba, cho thu nhập ổn định. Ảnh: Diệu Vy.

Ba ba là loài vừa nhút nhát lại vừa hung dữ. Chúng thường thích sống nơi kín đáo, ít tiếng ồn. Khi thấy có tiếng động mạnh, có bóng người hay súc vật đến gần, chúng lập tức nhảy xuống nước lẩn trốn.

Tính hung dữ thể hiện ở chỗ ba ba hay cắn nhau, con lớn hay cắn và ăn tranh mồi của con bé, nếu bị đói lâu có thể ăn thịt cả con bé. Khi có người hoặc động vật muốn bắt, ba ba có phản ứng tự vệ rất nhanh là vươn cổ dài ra cắn.

“Thị trường tiêu thụ ba ba tương lai sẽ vẫn còn phát triển. Thời gian tới, cần đưa sản phẩm ba ba đã sơ chế sẵn, bảo quản lạnh đến các siêu thị và cửa hàng tiện lợi để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với loại thực phẩm bổ dưỡng này”, anh Lai bày tỏ.

Anh chia sẻ thêm bí quyết tiếp cận người tiêu dùng thông qua áp dụng công nghệ thông tin: “Trong thời đại nông nghiệp 4.0, tôi đã phát triển thêm các kênh tiêu thụ mới như qua fanpage, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, có thể nhanh chóng tiếp cận người dùng trên phạm vi cả nước”.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.