| Hotline: 0983.970.780

Nắm chắc kỹ thuật nuôi ba ba gai, làm giàu không khó

Thứ Ba 30/06/2020 , 08:28 (GMT+7)

Với số lượng 100 cặp ba ba gai bố mẹ, mỗi năm trang trại của anh Dũng bán ra ngoài thị trường trên 2.000 con giống, khoảng 500kg thương phẩm.

Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi ba ba, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh “đút túi” gần nửa tỉ đồng/năm. Một số tiền không hề nhỏ đối với 1 người nông dân ở vùng quê nông thôn.

Anh Lê Hồng Dũng - chủ trang trại ba ba gai ở thôn Dương, xã Yên Dương. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Lê Hồng Dũng - chủ trang trại ba ba gai ở thôn Dương, xã Yên Dương. Ảnh: Mai Chiến.

Đổi nghề

Đến đầu làng thôn Dương, xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hỏi anh Lê Hồng Dũng (SN 1978) - chủ trang trại ba ba gai thì không ai không biết đến anh. Bởi, anh là người đầu tiên đưa mô hình nuôi ba ba gai về địa phương phát triển. Tính đến nay, anh đã có gần 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi loài thủy sản này.

Trước khi đến với nghề nuôi ba ba gai, anh Dũng vốn là một thợ mộc có tiếng trên huyện Sông Mã (Sơn La). Thời gian làm nghề mộc trên này, anh có biết đến mô hình nuôi ba ba gai ở đầu nguồn sông Mã nên đã dành nhiều thời gian đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ba ba. Mỗi lần đến tham quan mô hình, anh đều ghi chép lại kiến thức vào cuốn sổ tay.

Tích tiểu thành đại, có trong tay “kho tàng” kiến thức, năm 2004 anh Dũng quyết định bỏ núi rừng Tây Bắc, trở về quê hương lập nghiệp với nghề nuôi ba ba gai. Thời điểm đó, anh chỉ nuôi 20 cặp bố mẹ và 150 con giống để làm quen, tìm hiểu đặc tính, cách sống… của ba ba.

“Nuôi được một thời gian, tôi thấy ba ba giống phát triển chậm, ba ba bố mẹ sinh sản kém. Lúc đó, tôi thực sự lo lắng. Tuy nhiên, được anh em trên Sơn La hướng dẫn thêm kỹ thuật nuôi ba ba, thay đổi phương pháp chăn nuôi nên đàn ba ba dần được cải thiện…”, anh Dũng nhớ lại.

Đến năm 2009, anh mở rộng diện tích, quy mô nuôi. Xây dựng hẳn một trang trại chăn nuôi ba ba gai rộng khoảng 2.500m2. Toàn bộ 8 ao nuôi được thiết kế phù hợp, bờ ao được xây ghép bằng gạch đỏ, rất chắc chắn. Ao lớn nhất có diện tích 500m2, ao nhỏ nhất có diện tích 200m2.

Trang trại có 8 ao nuôi ba ba gai. Ảnh: Mai Chiến.

Trang trại có 8 ao nuôi ba ba gai. Ảnh: Mai Chiến.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Dũng bộc bạch, hiện nay có rất nhiều giống ba ba như ba ba Nam Bộ (cua đinh), ba ba sông Hồng, ba ba Thái Lan… nhưng với khí hậu, thời tiết của miền Bắc, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng phù hợp nhất là nuôi ba ba gai. Đây là giống ba ba dễ thuần; trọng lượng lớn, nặng khoảng 30kg/con ba ba bố - mẹ, đột biến có con nặng gần 50kg/con.

Anh Dũng cho biết thêm, trước năm 2015, ba ba thương phẩm của trang trại được thương lái thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch rất nhiều. Tuy nhiên, từ 2015 trở về đây, do gặp nhiều khó khăn nên việc xuất khẩu ba ba bị “đóng băng”.

Song, thị trường nội địa cũng rất phong phú, đầu ra chưa bao giờ bị bế tắc. Lúc cao điểm, trang trại nuôi hơn 200 cặp bố mẹ, xuất bán ra thị trường khoảng 4.000 con giống, hơn 1 tấn ba ba thương phẩm. Đó là năm 2017.

Trái ngọt

Theo anh Dũng, ba ba gai là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. So với nuôi tôm, cá hay một số loại thủy sản nước ngọt khác… thì nuôi ba ba gai cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần.

Hiện tại, trang trại đang có 100 cặp ba ba bố mẹ. Ảnh: Mai Chiến.

Hiện tại, trang trại đang có 100 cặp ba ba bố mẹ. Ảnh: Mai Chiến.

Cũng theo anh Dũng, giá bán ba ba gai ít khi bị biến động. Chất lượng thịt thơm, ngon, giàu dinh dưỡng. Thị trường ổn định, nhiều lúc gia đình anh không có ba ba giống, thương phẩm (4,5 - 5kg/con) để cung cấp ra ngoài thị trường.

“Hiện tại, với số lượng 100 cặp ba ba bố mẹ, mỗi năm trang trại bán ra ngoài thị trường trên 2.000 con giống với giá từ 150.000 - 200.000đ/con; khoảng 500kg ba ba thương phẩm với giá từ 450.000 - 500.000đ/kg và vài chục cặp bố mẹ với giá 600.000đ/kg”, anh Dũng thổ lộ.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ba ba gai, anh Dũng cho hay, đây là loài thủy sản rất dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thi thoảng mắc bệnh nấm bã đậu, nấm cổ nhưng rất dễ điều trị. Thức ăn chủ yếu là cá tươi hoặc thịt gà băm nhỏ, có thể trộn lẫn với bột ngô. Ngày cho ăn 1 - 2 lần.

“Nuôi ba ba gai tiêu tốn ít thức ăn, chúng chủ yếu ăn nhiều vào mùa hè. Sau đó, đến đầu tháng 10 Âm lịch, ba ba đi “ngủ đông” cho đến hết tháng 2 âm lịch năm sau mới ngoi lên mặt nước. Vì vậy, đỡ được một phần chi phí thức ăn”, anh Dũng chia sẻ.

Cầm một con ba ba trên tay, nặng khoảng 25kg, anh Dũng nói, ba ba cái bước sang tuổi thứ 3 là bắt đầu học đẻ. Trung bình, đẻ 3 - 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 15 - 20 quả và chủ yếu đẻ trứng vào ban đêm. Để trứng không bị vỡ, gia đình đã dựng 1 lán rộng 5m2, bên trong có cát, dày 3cm, để cho ba ba đẻ.

Toàn bộ trứng được ấp trong thùng với nhiệt độ khoảng 35°C. Ảnh: Mai Chiến.

Toàn bộ trứng được ấp trong thùng với nhiệt độ khoảng 35°C. Ảnh: Mai Chiến.

Sau khi ba ba đẻ trứng, toàn bộ số trứng sẽ thu gom để đưa vào thùng ấp, ấp với nhiệt độ khoảng 35°C. Trung bình, 60 - 65 ngày là trứng sẽ nở thành con. Trước khi ấp, có soi trứng trước; nếu quả trứng nào không có đực thì loại bỏ luôn. Trứng loại bỏ được bán cho thương lái với giá 10.000đ/quả.

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm