| Hotline: 0983.970.780

Minh bạch trong giao biển

Thứ Sáu 10/05/2024 , 09:21 (GMT+7)

QUẢNG NINH Những hộ dân được giao mặt biển phải thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu nổi HDPE, hộ nào không đảm bảo sẽ rút lại quyết định giao biển.

Quảng Yên có nhiều lợi thế nổi trội để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Cường Vũ.

Quảng Yên có nhiều lợi thế nổi trội để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Cường Vũ.

Hiện nay, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã phê duyệt xong Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với tổng diện tích 865,38 ha và Phương án giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản. Trong đó, quy định rõ đối tượng được giao là các tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản có địa chỉ, hộ khẩu thường trú trên địa bàn thị xã với hạn mức giao không quá 15ha đối với 1 tổ chức; giao cho cá nhân không quá 0,8ha.

Thị xã cũng đã rà soát, xét duyệt các trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản theo Đề án và Phương án đã phê duyệt. Đồng thời, kiên quyết giải tỏa các hộ nuôi ngoài quy hoạch và xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Từ năm 2023 đến tháng 4/2024, UBND thị xã Quảng Yên đã xử phạm vi phạm hành chính 9 trường hợp vi phạm luồng, lạch, phạt tiền 106 triệu đồng; tổ chức thu gom, tiêu hủy gần 400 bè mảng trôi nổi và trên 70.000 quả phao xốp vào các điểm tập kết để thực hiện xử lý. Đến nay, thị xã không phát sinh bè mới sử dụng phao xốp để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên trên địa bàn vẫn còn khoảng 70.000 đến 80.000 quả phao xốp chưa chuyển đổi. Về nội dung này, các hộ dân đang chờ được UBND thị xã giao mặt biển nuôi trồng sẽ thực hiện đầu tư đồng bộ sang vật liệu nổi HDPE.

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, đến thời điểm này, Quảng Yên đã có 714 hộ đăng ký nuôi trồng thủy sản biển theo vùng quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 344 ha và đều nằm trong vùng biển 3 hải lý.

Trong đó, đã tổ chức xác định ranh giới ngoài thực địa cho 531 hộ; hoàn thành sơ đồ nuôi biển cho 379 hộ. Đối với các Hợp tác xã và doanh nghiệp, thị xã đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, phường tổ chức rà soát về nội dung đang hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, để có ý kiến trả lời các tổ chức và làm cơ sở xác định ranh giới ngoài thực địa.

"Người dân ở đây phần lớn làm nghề nuôi biển và khai thác, họ rất mong được cấp phép, giao mặt nước sớm để xuống giống vụ nuôi mới. Công tác xét duyệt giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng nên mất nhiều thời gian.

Việc bố trí, sắp xếp cho các hộ ngoài quy hoạch vào trong khu quy hoạch cần phải đảm bảo hài hòa với các hộ đang nuôi trong quy hoạch, do đó, nhiều hộ phải giảm diện tích nuôi, dẫn đến kiến nghị, thắc mắc, các cơ quan phải giải thích, vận động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song UBND thị xã yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh", ông Bắc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân, cho biết Hoàng Tân là xã có số hộ dân làm ngư nghiệp nhiều nhất của thị xã Quảng Yên, hiện toàn xã có trên 500 hộ đang nuôi trồng thủy sản, xã đã tiếp nhận 458 hộ có đơn đề nghị được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Lực lượng chức năng của xã Hoàng Tân kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Ảnh: Cường Vũ.

Lực lượng chức năng của xã Hoàng Tân kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Ảnh: Cường Vũ.

Đây cũng là 1 trong 2 xã có diện tích mặt nước được Quảng Yên quy hoạch Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với trên 500ha. Để đảm bảo giao đúng đối tượng (người dân có địa chỉ, hộ khẩu thường trú trên địa bàn), danh sách đợt I gồm 369 hộ dân đã được xã Hoàng Tân công khai niêm yết 15 ngày theo quy định tại trụ sở UBND xã và các Nhà văn hóa thôn. Đợt 2 tiến hành xét duyệt 63 hộ. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 431 hộ được giao.

"UBND xã đã hướng dẫn các hộ dân nộp đơn và các thủ tục kèm theo lên bộ phận tiếp nhận tài nguyên và môi trường tại Trung tâm hành chính công thị xã. Cùng với đó, các hộ cũng đã và đang đóng bè mới sử dụng vật liệu nổi là phao nhựa hợp chuẩn quy để khi có quyết định được giao sẽ tiến hành ngay để nuôi trồng", Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân thông tin.

Chiều 6/5, Tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với UBND thị xã Quảng Yên để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường quản lý và phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi nghe các ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác, đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND thị xã Quảng Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng biên phòng, Công an thị xã rà soát lại lần nữa trước khi phê duyệt quyết định giao mặt biển cho các hộ dân trên địa bàn nuôi trồng thủy sản xong trong tháng 5/2024, đảm bảo không trùng lặp giữa hộ dân với thành viên các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như làm rõ năng lực của các Hợp tác xã, doanh nghiệp đề nghị đăng ký cấp mặt biển nuôi trồng.

"Thị xã có yêu cầu cụ thể đối với những hộ dân được giao mặt biển nuôi trồng về thời gian, tiến độ chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu nổi HDPE và phải có kiểm tra, phúc tra, nếu hộ nào không đảm bảo sẽ rút lại quyết định giao biển", đại tá Nguyễn Thuận nêu rõ.

Xem thêm
'Làm chơi, ăn thật' từ nghề nuôi cá cảnh, san hô của kỹ sư 9X

ĐỒNG THÁP Mô hình khởi nghiệp nuôi cá cảnh, san hô của kỹ sư điện Nguyễn Thanh Hoàng (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) được đánh giá cao nhờ đa dạng chủng loại, giá cả cạnh tranh.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.