HTX Chăn nuôi dê Đa Phước là mô hình được huyện Bình Chánh khuyến khích nhân rộng, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho những hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Nhân rộng mô hình chăn nuôi dê lấy sữa ở huyện ngoại thành TP.HCM
HTX Chăn nuôi dê Đa Phước là một trong những mô hình được huyện Bình Chánh khuyến khích nhân rộng, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Từ 30 con dê bố mẹ giống Saneen Thái Lan, anh Lê Minh Hải ở xã Đa Phước huyện Bình Chánh nhập về nuôi từ năm 2000. Nhận thấy tiềm năng của việc nuôi dê lấy sữa, anh Hải đầu tư chuồng trại ở nơi cao ráo, thoáng mát; dê được tắm rửa thường xuyên nhằm hạn chế mùi hôi cho chuồng trại. Phân dê thải ra được thu gom đem ủ, xử lý để làm phân bón cho cây trồng.
Với thành công của mô hình anh Hải, huyện Bình Chánh đã khuyến khích thành lập HTX Chăn nuôi dê Đa Phước nhằm tập hợp những hộ chăn nuôi gia đình sang sản xuất tập trung, theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các hội viên hợp tác nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.
Ông Lê Minh Hải, Giám đốc HTX Chăn nuôi dê Đa Phước: "HTX chăn nuôi dê Đa Phước gồm 12 thành viên, với mô hình nuôi dê lấy sữa. HTX nuôi dê từ mô hình quy trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
Tới bây giờ, về kỹ thuật, dịch bệnh chuyên môn mình đã ngừa sẵn hết. Quy trình nuôi khép kín, tất cả các loại bệnh mình đã làm trước, đi trước hết".
Để tạo nguồn thức ăn cho đàn dê hơn 500 con, các thành viên HTX đã liên kết trồng cỏ voi trên diện tích 3ha. Ngoài ra, để thu được sản lượng sữa cao và chất lượng, hạn chế tối đa việc sữa dê có mùi, các thành viên của HTX tăng cường bổ sung xác đậu nành vào thức ăn cho dê, bởi đây là nguồn nguyên liệu có nhiều dinh dưỡng. Từ đó, tạo ra nguồn sữa dê chất lượng, ít mùi.
Ông Lê Minh Hải, Giám đốc HTX Chăn nuôi dê Đa Phước: HTX có 2 dòng sản phẩm là sữa dê thanh trùng và sữa chua thanh trùng. Hiện mỗi ngày HTX sản xuất trên 100 lít, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 500-700 sản phẩm.
Việc chăn nuôi dê lấy sữa quy mô tập trung, giúp chủ động phòng, chống được dịch bệnh, bảo đảm lợi nhuận, do vậy đàn dê của HTX luôn được duy trì, phát triển ổn định trong những năm gần đây. Chất lượng sữa đưa ra thị trường cũng luôn được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, tạo thu nhập ổn định cho mỗi thành viên từ 100-200 triệu đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh: "Đây là mô hình mới, hiện nay Hội Nông dân huyện cũng như Phòng kinh tế huyện đang quan tâm, hỗ trợ cho HTX các thông số về kỹ thuật ATTP để phát triển HTX. Hy vọng đây là mô hình có tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Hiện nay về hỗ trợ HTX Chăn nuôi dê Đa Phước, Hội Nông dân cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn để mời xã viên tham gia, đồng thời hỗ trợ vay vốn để phát triển thêm tổng đàn. Đặc biệt là giới thiệu cho HTX tham gia các hội chợ triển lãm trên địa bàn huyện và thành phố".
Nhờ những nỗ lực bền bỉ, sự phối hợp liên kết chặt của từng thành viên, đảm bảo đàn dê hơn 500 con khỏe mạnh, vượt qua dịch bệnh, cho nguồn sữa tốt, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng, sản phẩm sữa dê thanh trùng của HTX Chăn nuôi dê Đa Phước đã đạt chứng nhận “Sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM 2021” của Hội Nông dân TP.HCM và nhận bằng khen của UBND TP.HCM. Đây là tiền đề để HTX tiếp tục phát triển bền vững, chinh phục thị trường và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các thành viên ngay trên chính trên mảnh đất quê hương Đa Phước, huyện Bình Chánh.