| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dê nhốt chuồng giúp gia tăng lợi nhuận

Thứ Hai 27/11/2023 , 05:43 (GMT+7)

HÒA BÌNH Người dân huyện Lạc Thủy đang từng bước phát triển nuôi dê nhốt chuồng nhằm quản lý toàn bộ quá trình nuôi, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩn, gia tăng lợi nhuận.

Tổng đàn dê trên địa bàn huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) hiện có trên 8.000 con. Ảnh: Trung Quân.

Tổng đàn dê trên địa bàn huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) hiện có trên 8.000 con. Ảnh: Trung Quân.

Với địa hình nhiều đồi núi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi dê. Từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Dê Lạc Thủy”, hoạt động chăn nuôi của người dân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Lạc Thủy cho biết, giai đoạn 2003-2004, đàn dê của huyện lên tới hơn 10.000 con. Tuy nhiên, khi bệnh đậu dê phát sinh lây lan trên diện rộng (thời điểm chưa có vacxin), số lượng dê giảm xuống một cách nhanh chóng, các hộ chỉ nuôi cầm chừng một vài con hoặc bán phá đàn.

Khi có vacxin phòng bệnh đậu, hoạt động chăn nuôi dê của người dân đã sôi động trở lại. Năm 2021, huyện Lạc Thủy đã đầu tư kinh phí cải tạo đàn dê đực giống đã cận huyết, kém phát triển, tập huấn cho các hộ sử dụng giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Dê Lạc Thủy”.

Hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ… Nhờ đó, đến nay tổng đàn dê của huyện tăng lên hơn 8.000 con.

Theo ông Chính, trong bối cảnh diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp (giao đất, giao rừng, đô thị hóa…), các chất thải công nghiệp, ô nhiễm môi trường… ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng lá cây tự nhiên, nhiều hộ đã chủ động xây dựng chuồng trại, cải tạo sân chơi, tận dụng phụ phẩm trồng trọt, trồng ngô sinh khối, cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn.

Hoạt động này giúp người nuôi thuận lợi quản lý toàn bộ quá trình chăn nuôi dê, kiểm soát dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Theo anh Phạm Văn Lục, khu 3, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), dê dễ mắc bệnh truyền nhiễm nên phải được tiêm phòng đầy đủ, quản lý chặt chẽ thức ăn. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Phạm Văn Lục, khu 3, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), dê dễ mắc bệnh truyền nhiễm nên phải được tiêm phòng đầy đủ, quản lý chặt chẽ thức ăn. Ảnh: Trung Quân.

Anh Phạm Văn Lục, khu 3, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) chia sẻ, nuôi dê không khó mà cũng chẳng dễ. Bởi vì, nguồn thức ăn cho dê dễ kiếm, tuy nhiên, đối tượng nuôi này lại rất khó tính, hệ tiêu hóa nhạy cảm, dễ mắc bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, chướng bụng đầy hơi… nên đòi hỏi phải được tiêm phòng đầy đủ, thức ăn, nước uống phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

“Lá cây tươi gia đình phải chặt từ chiều hôm trước, rửa sạch, để ráo nước, sáng hôm mới cho dê ăn. Bên cạnh đó, cho dê ăn ngô, cỏ voi được ủ chua để bổ sung dinh dưỡng, nâng cao chất lượng thịt, tăng khả năng kháng bệnh, nhất là trong mùa nắng nóng. Nếu chăn thả, 9-10 giờ sáng mới đưa ra đồng, 16-17 giờ chiều cho về chuồng để tránh dê ăn phải lá cây còn đọng sương”, anh Lục chia sẻ kinh nghiệm.

Theo anh Lục, với cách nuôi này, đàn dê của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít bệnh, chất lượng thịt thơm ngon. Với giá bán dê 140.000-170.000 đồng/kg (hơi) và nguồn thu từ bán bò giống, sau khi trừ đi các chi phí, năm 2022 gia đình anh có lãi hơn 100 triệu đồng.  

Anh Lê Hồng Hiểu, khu 5, thị trấn Chi Nê hồ hởi chia sẻ, mặc dù chi phí đầu tư nuôi dê không cao nhưng hiệu quả kinh tế không thua kém gì chăn nuôi trâu, bò, trong khi dễ gây đàn nên phù hợp với nhiều hộ dân hạn hẹp về nguồn vốn.

Theo anh Lê Hồng Hiểu, khu 5, thị trấn Chi Nê, muốn nuôi dê thành công phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, theo dõi sát diễn biến đàn dê. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Lê Hồng Hiểu, khu 5, thị trấn Chi Nê, muốn nuôi dê thành công phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, theo dõi sát diễn biến đàn dê. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, muốn nuôi loài gia súc này thành công người nuôi phải thật sự đam mê và coi đó là một nghề để phát triển kinh tế. Bởi lẽ, có yêu thích công việc mình làm mới đầu tư thời gian học hỏi kỹ thuật chăm sóc và quản lý đàn dê sao cho hiệu quả.

“Có con giống chất lượng, thức ăn dồi dào mà không chú tâm đảm bảo vệ sinh chuồng trại, sân chơi, giữ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, tiêm phòng vacxin đầy đủ… để dê mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì tỷ lệ chết thường rất cao. Do đó, người nuôi hàng ngày phải sát sao, theo dõi kỹ các hoạt động của đàn dê, kịp thời phát hiện những con có biểu hiện bất thường để có chế độ chăm sóc và điều trị hợp lý, hạn chế tối đa rủi ro”, anh Lê Hồng Hiểu nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.