Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đang có sự dịch chuyển rõ rệt. Chăn nuôi nông hộ đang 'đuối sức' và tự phải tìm hướng đi riêng. Trong đó, nuôi con đặc sản với giá trị kinh tế cao đang là cách làm hiệu quả.
Kính chào quý vị và các bạn,
Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai những năm gần đây đang có sự dịch chuyển rõ rệt. Chăn nuôi nông hộ đang đuối sức và tự phải tìm hướng đi cho riêng mình. Trong đó, nuôi con đặc sản với giá trị kinh tế cao đang là cách làm hiệu quả cho người chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai giữa bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây.
Để hiểu rõ hơn về xu thế nuôi con đặc sản tại Đồng Nai cho giá trị kinh tế cao, mời quý khán giả cùng đến với ghi nhận do phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, khu vực Đông Nam Bộ thực hiện.
Đây là mô hình chăn nuôi chồn hương lấy thịt và bán con giống của vợ chồng chị Nhung tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú.
Dù chỉ mới thử sức nuôi động vật hoang dã chưa đầy 2 năm nay nhưng vợ chồng chị Nhung đang minh chứng hiệu quả về mô hình chăn nuôi này, với lợi nhuận khoảng 300 - 400 triệu đồng mỗi năm. Mô hình nuôi động vật hoang dã này đang được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện giới thiệu, nhân rộng.
Phỏng vấn chị Phạm Thị Nhung, xã Phú Bình, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai:So với những con vật nuôi khác thì tôi thấy cái con chồn hương này nó kinh tế rất là cao. Sau một năm thì cũng đã lấy loại vốn được vài trăm triệu và hiện tại thì hai vợ chồng tôi đang dư được một trại chồn trên dưới bốn chục con. Tôi thì cũng được các cán bộ kiểm lâm, cán bộ thú y cũng như là dự án STOP Spillover chia sẻ về cái bài học cách nuôi đệm lót sinh học cho chồn hiệu quả thì tôi hai vợ chồng tôi cũng đã áp dụng và thấy cũng có hiệu quả.
Tại huyện Tân Phú đang tập trung nuôi 4 loài động vật hoang dã tại nông hộ gồm: chồn hương, nai để lấy nhung, nhím và dúi. Đây là 4 con được ngành chăn nuôi huyện đặt lên hàng đầu trong cái phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương.
Phỏng vấn ông Lê Tấn Việt, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú:Nhu cầu hiện nay là bà con chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển qua nuôi động vật hoang dã thì đang phát triển có tầm hướng cao, đang phát triển tốt. Hiện nay một số hộ trên địa bàn phát triển rất tốt, mang lại lợi nhuận ít, đầu tư thức ăn, con giống, do vậy là cái giá thành bán ra đạt hiệu quả cao.
Còn tại huyện Vĩnh Cửu, nghề nuôi hươu, nai lấy nhung xã Hiếu Liêm từ lâu đã rất nổi tiếng khắp tỉnh Đồng Nai. Nhờ ít công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên làng nghề nuôi hươu, nai Hiếu Liêm giúp cho nhiều gia đình khấm khá. Với giá nhung nai khoảng 8 triệu đồng/ kg và nhung hươu khoảng 2,5 triệu đồng/ 100gram, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm một hộ nuôi hươu nai cũng cho thu lời từ 200 triệu đến gần 1 tỷ đồng, tùy vào số lượng vật nuôi.
Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Truyện, Giám đốc HTX Dịch vụ hỗ trợ Chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm:Cái hiệu quả của cái chăn nuôi heo nay thì nó gây đầu tư nặng vốn ban đầu là chuồng trại, với cái con giống. Thức ăn thì mình à, thức ăn chủ yếu là mình tự túc được. Mình đi tận dụng ba cái phế phụ phẩm nông nghiệp, mình về mình chăn nuôi. Cái lợi nhuận của nó cũng tương đối cao. Bởi vì là mình không có đầu tư vào cái thức ăn như heo như gà như trâu, bò mà mình thức ăn mình tự kiếm được.
Hiện nay trên địa bàn Đồng Nai có tổng đàn động vật hoang dã lên tới hàng triệu con, tại hơn 700 cơ sở chăn nuôi, với 73 loài khác nhau. Trong đó phải kể đến có khoảng 57 trại nuôi cầy hương, 50 hộ nuôi dúi, 30 hộ nuôi nhím, 154 hộ nuôi nai… trải rộng khắp tỉnh. Các mô hình này đều được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai quản lý và cấp “giấy khai sinh” cho từng vật nuôi.
Phỏng vấn ông Nguyễn Chí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai:Phát triển chăn nuôi của Đồng Nai theo hướng là phát triển từ những con đặc sản, con bản địa và ưu thế của địa phương để phát triển thành chăn nuôi theo hướng là kinh tế, chuyên sâu hơn, sẽ tiếp tục là đăng ký thành một sản phẩm OCOP của Đồng Nai.
Hiệu quả kinh tế là thế nhưng để những mô hình nuôi con đặc sản, động vật hoang dã được bền vững thì câu chuyện đầu ra là bài toán khó mà ngành nông nghiệp Đồng Nai cần phải tính tới. Điều này sẽ giúp cho việc chăn nuôi này thêm bền vững hơn.
Phỏng vấn ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:Hiện nay có một cái vấn đề chúng ta phải xem xét là khi nuôi con đặc sản đó, tạo được công ăn việc làm, tạo được cái của cả xã hội. Nhưng đồng thời chúng ta phải xem xét tới cái mức tiêu thụ. Bởi vì những con đặc sản đó là những con tương đối là hàng hiếm. Nhưng mà làm sao khi tạo được con đặc sản đó thì làm sao phù hợp với cái túi tiền của người tiêu dùng thì khi chúng ta làm được cái con đặc sản để mà giảm thiểu được cái ô nhiễm môi trường, tạo được cái công ăn việc làm nhưng có một cái thị trường tiêu thụ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng Đồng Nai đang đi vấn đề này thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.
Thưa quý vị, phát triển những con đặc sản, bản địa mang ưu thế của Đồng Nai không chỉ là mô hình độc đáo mà còn mang đến giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Mong rằng những mô hình chăn nuôi này của Đồng Nai sẽ phát triển bền vững, có được những đầu ra ổn định. Có như vậy mới phát huy tối đa giá trị của mô hình này và mang tới hiệu quả cao.
Phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện đến đây cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.