Chủ Nhật, 5/1/2025 16:25 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Tìm sinh kế cho nghề nuôi 'vua đầm lầy': [Bài 1] Nghề nuôi cá sấu điêu đứng

Thứ Hai 23/10/2023 , 14:59 (GMT+7)

TP.HCM Nghề nuôi cá sấu một thời 'làm mưa làm gió', từng là chìa khóa làm giàu, thì bây giờ lại khiến người nuôi điêu đứng vì không thể xuất bán và giá quá thấp.

Giá rớt thê thảm, người chăn nuôi đành giữ lại và cắt khẩu phần ăn của cá sấu. Ảnh: Trần Phi.

Giá rớt thê thảm, người chăn nuôi đành giữ lại và cắt khẩu phần ăn của cá sấu. Ảnh: Trần Phi.

Theo ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã - Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, hiện nay, số lượng cá sấu tại TP.HCM đã giảm từ khoảng 160.000 (vào năm 2015) xuống khoảng 35.000.

Trước đây, thương lái Trung Quốc mua cá sấu với giá cao, nhiều người mở trang trại quy mô lớn. Khi thị trường cung cấp nhiều hơn, thương lái Trung Quốc tự hạ giá cá sấu, gây lỗ vốn cho người nuôi.

Thăm hộ nuôi cá sấu của ông Nguyễn Văn Út, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh hàng chục con cá sấu nằm há miệng chờ thức ăn.

Theo ông Út, khoảng 5 năm trước, những chuồng trại này từng nuôi đàn cá sấu lên đến hàng ngàn con, nuôi bao nhiêu cũng không đủ bán, mà giờ đây trại này chỉ còn khoảng vài chục con.

"Năm 2015, giá cá sấu đỉnh điểm, có lúc hơn 200.000 đồng/kg, trại tôi nuôi hơn 5.000 con mà không đủ bán. Bây giờ giá chỉ còn vài chục ngàn, càng nuôi càng lỗ", ông Út chia sẻ.

Vì khó khăn, nhiều hộ nuôi cá sấu đã chuyển đổi mô hình khác để kịp thích ứng với tình hình.

Ông Nguyễn Trường Quốc, huyện Bình Chánh, TP. HCM cho biết, trại ông nuôi cá sấu gia công cho các công ty da. Vào năm 2020, đơn hàng ít dần, giá thành giảm mạnh khiến ông bị thua lỗ nặng, nên quyết định tạm ngừng nuôi cá sấu và chuyển qua nuôi heo.

"Nuôi gia công nên nguồn vốn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp chưa tìm được đầu ra, nuôi gia công sẽ chịu lỗ”, ông Quốc ngán ngẩm.

Ông Tăng Hùng - Chủ trang trại cá sấu Phước Hiệp ở Củ Chi, TP.HCM cho biết, đầu ra không có, ông đành cho đóng cửa trang trại và chuyển hướng kinh doanh nuôi gà.

"Từ khi thị trường đóng cửa, vì không chịu nổi chi phí 30 triệu đồng thức ăn cho đàn cá 500 con, tôi thua lỗ, chuyển sang nuôi gà cho ổn định”, ông Hùng cho biết.

Những trang trại lớn với quy mô hàng ngàn con càng khó khăn hơn. Theo Chi cục Kiểm lâm TP. HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ còn 17 tổ chức, cá nhân nuôi khoảng 35.000 con cá sấu, trong đó, 4 doanh nghiệp được xuất bán gồm: Công ty TNHH Chăn nuôi & Kinh doanh cá sấu Tồn Phát; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Suối Tiên; Trại cá sấu Forimex; Làng cá sấu Sài Gòn. Các doanh nghiệp nuôi khoảng 28.000 con, số còn lại do các hộ dân nuôi nhỏ lẻ.

"Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không cho sinh sản. Các trại cá sấu vì giữ nguồn giống nên vẫn cố gắng duy trì đàn. Bây giờ chỉ duy nhất một doanh nghiệp có thể xuất khẩu cá sấu là doanh nghiệp Tồn Phát, tuy nhiên toàn những đơn hàng nhỏ, lẻ”, ông Nguyễn Quang Hoàng thông tin.

Chi cục Kiểm lâm TP. HCM báo cáo tình hình xuất khẩu cá sấu từ năm 2020 đến tháng 9/2023. 

Chi cục Kiểm lâm TP. HCM báo cáo tình hình xuất khẩu cá sấu từ năm 2020 đến tháng 9/2023. 

“Nhiều con bây giờ cho ăn cũng không ăn nữa, giống như khi người ta đói quen rồi thì không còn muốn ăn”, ông Việt chủ trang tại Tồn Phát chia sẻ.

Ông Việt cho biết thêm, trại Tồn Phát chủ yếu nuôi cá sấu xuất khẩu, hiện nuôi 7.500 con cá sấu bố mẹ, nuôi thương phẩm khoảng 3.000 con. Để cầm cự, trại chỉ có thể thu hoạch da cá sấu chủ yếu xuất đi Nhật và Hàn Quốc. Tuy vậy, thị phần này chiếm rất thấp.

Còn tại Làng cá sấu Sài Gòn, hiện có hơn 7.000 con. Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Làng cá sấu Sài Gòn cho biết, trại vẫn duy trì cho cá sấu ăn 2-3 lần/tuần, tùy theo tuổi cá sấu. Mức chi phí cho ăn xấp xỉ 100 triệu đồng/tuần.

Nghề nuôi cá sấu đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Phi.

Nghề nuôi cá sấu đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Phi.

"Chúng tôi đã mất nhiều năm để gây dựng đàn, mặc dù chi phí thức ăn tăng cao nhưng vẫn phải cho ăn, thứ nhất là để giữ giống, thứ hai là để bảo tồn nguồn gen chờ tình hình khả quan hơn”, ông Hưng chia sẻ.

Theo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, năm 2019, các doanh nghiệp trong nước đã làm thủ tục xuất khẩu đến 115.776 con cá sấu sống sang Trung Quốc, nhưng chỉ xuất đi được khoảng 32.800 con. Lý do, Hải quan biên giới của Trung Quốc không cho nhập khẩu cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả số cá sấu đã được cấp giấy phép CITES.

Sau đó đại dịch xảy ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, cấm quá cảnh các mặt hàng đặc biệt có rủi ro cao về an toàn sinh học. Tình trạng này khiến các trại nuôi cá sấu nước ngọt lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ, bế tắc.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.