Đến thăm trang trại nuôi chồn hương của vợ chồng chị Nhung, anh Quý (ấp Phú Dũng, xã Phú Bình, huyện Tân Phú), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hiệu quả của mô hình. Với 40 con chồn hương bố mẹ, hiện đang cho vợ chồng chị Nhung có thu nhập ổn định, dù “làm chơi” nhưng “ăn thật”.
Đây là một trong nhưng mô hình nuôi động vật hoang dã hiệu quả nhất của huyện Tân Phú và đang được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện giới thiệu, nhân rộng mô hình.
Anh Nguyễn Phước Quý chia sẻ, sau dịch Covid-19, vợ chồng anh chị thôi làm kinh doanh, cùng tìm hiểu về nuôi chồn hương tại nhà. Sau khi học hỏi tại nhiều nguồn khác nhau, hai vợ chồng quyết định mua 10 cặp bố mẹ để nuôi thử.
Trải qua gần 2 năm, hiện tổng đàn chồn hương của vợ chồng anh Quý đã lên tới 40 con. Năm đầu tiên nuôi chồn hương, anh Quý đã thu hồi được vốn và đang cho lãi mỗi năm tiếp theo khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Hiện, chồn hương được anh Quý, chị Nhung bán ra thị trường với hai hình thức và mức giá khác nhau. Đối với bán con giống baby khoảng 2,5 tháng tuổi thì có giá 8 triệu đồng/ cặp, còn chồn hương để làm thịt thì được bán dao động từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/ kg, tuỳ thời điểm.
“Chồn baby từ lúc sanh đến khi trưởng thành và sinh sản là từ 10 - 12 tháng tuổi. Mỗi năm, chồn sẽ đẻ 2 lứa, với khoảng 4 - 12 con. Chồn mang thai khoảng 60 ngày là đẻ. Do đó, tiềm năng về việc nuôi chồn giống là khá cao”, chị Nhung đánh giá.
Chồn hương là loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng.
Để phòng tránh các vấn đề về dịch bệnh, anh Nguyễn Phước Quý đang dần chuyển qua chăn nuôi chồn hương bằng đệm lót sinh học, giúp phân hủy chất thải, giảm thiểu mùi hôi. Đệm này cũng được anh chị tận dụng sử dụng để bón sầu riêng. Ngoài ra, khách muốn vào tham quan phải được sát khuẩn bằng dung dịch và bước qua hố vôi để hạn chế tối đa lây chéo.
Theo kỹ thuật được hướng dẫn, cứ mỗi mét vuông chuồng trại, anh Quý sử dụng 1 tạ trấu và mùn cưa (50/50) để làm đệm lót, sử dụng chế phẩm sinh học là 1 lạng men vi sinh, 1,5kg bột bắp, 10 lít nước, ủ đều, lên men.
“Từ khi được dự án STOP Spillover và Trạm Thú y huyện hướng dẫn kĩ thuật, cơ sở nuôi chồn hương của tôi đã không còn mùi hôi đặc trưng của loài động vật hoang dã. Trước đây không có đệm lót, mỗi ngày tôi phải dội rửa chuồng, rất nhọc công. Với đệm lót này, cứ sau 3 - 4 tháng chúng tôi mới cần phải thay đệm lót sinh học”, anh Quý chia sẻ.
Vì chồn hương là động vật hoang dã nên việc nuôi loài này cũng được lực lượng kiểm lâm “cấp giấy khai sinh”, kiểm soát. Đây là yêu cầu bắt buộc. Do đó, từng con giống bán ra thị trường hay để làm thịt bán cho các nhà hàng, trang trại của vợ chồng chị Nhung cũng cung cấp đủ giấy tờ hợp lệ. Dự định, trong năm 2024, vợ chồng anh Quý sẽ tăng số lượng con giống bố mẹ lên 100 để đáp ứng nhu cầu nuôi và tiêu thụ ngày càng tăng.
Ông Lê Tấn Việt, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú đánh giá cao hiệu quả mô hình chăn nuôi chồn hương của vợ chồng anh Quý. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây còn là mô hình ứng dụng các kĩ thuật an toàn dịch bệnh rất tốt.
“Mặc dù đây là mô hình nuôi khá mới lạ trên địa bàn huyện Tân Phú nhưng nhanh chóng chứng minh được hiệu quả. Chúng tôi cũng bám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chồn hương nói chung để vật nuôi được sinh trưởng tốt, an toàn dịch bệnh. Điều này phần nào giúp giá trị của chồn hương được nâng cao, bền vững hơn”, ông Việt thông tin.
Theo vị Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú, chồn hương cũng là loài khá kĩ tính nên cũng cần để tâm tập tính sinh hoạt để vật nuôi có sự sinh trưởng tốt. Cụ thể, đến thời kỳ lên giống thì chồn hương thích bóng tối và yên tĩnh, hạn chế ồn ào. Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng cần lưu tâm vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe vật nuôi.
“Chồn hương rất yếu về đường tiêu hoá nên nguồn thức ăn phải sạch sẽ, khay đựng thức nên ghi số riêng từng con từng chuồng và nên vệ sinh mỗi ngày. Thức ăn yêu thích của chồn là chuối, cà phê… Trại nhà chúng tôi còn cho chồn ăn thêm cá, gà, vịt được nấu kĩ nhằm bổ sung dinh dưỡng và thích ứng với những nguyên liệu sẵn có”, ông Lê Tấn Việt chia sẻ.