Mấy năm trước, vợ chồng anh Lê Văn Giang ở xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đầu tư nuôi cá chình trên cát. Việc nuôi cá chình đang phát triển tốt thì phải chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để giải quyết khó khăn trước mắt, anh Giang tìm hướng đi mới với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”.
Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi ở những trang trại nuôi ếch thành công, anh Giang tính toán đến phát triển thêm nghề nuôi loài ngồi “chồm hỗm” này. Tận dụng vườn cây dừa đã khép tán, anh đầu tư làm hệ thống ao hồ nổi, trong lòng hồ lót bạt.
Hệ thống cấp, thoát nước cũng được thiết kế thuận lợi. Phía đầu mỗi hồ đều thiết kế ống dẫn nước vào và cuối hồ là van xả nước thải vào hệ thống hồ chứa để xử lý men vi sinh làm sạch nước trước khi xả ra môi trường. “Hình thức hồ kiểu này rất linh hoạt và dễ dàng trong việc thay nước. Khi cần xả thay nước thì chỉ mở van là nước trong hồ sẽ cạn để thay nước mới cho ếch”, anh Giang cho hay.
Để tích lũy kinh nghiệm, anh Giang không thả con giống ồ ạt mà chỉ thả nuôi ban đầu với 4 hồ. Thức ăn cho ếch được mua ở doanh nghiệp có uy tín trên thị trường chứ không cho ăn thức ăn trôi nổi.
Để đảm bảo nguồn nước sạch, anh Giang đầu tư xây một bể nước lớn chứa trên 200m3 nước cạnh khu vực nuôi ếch. Nước giếng khoan được bơm lên bể để xử lý tạp chất, sau đó mới đưa vào hồ nuôi. Với cách nuôi này, tỷ lệ con giống trở thành ếch thương phẩm rất cao. Ếch nuôi ít khi bị bệnh và lớn nhanh.
Thời gian đầu vừa làm vừa học nên thu hoạch cũng vừa chi phí. Vài lứa sau, mỗi hồ nuôi cho lãi khoảng 20 triệu đồng/lứa. Chỉ 4 hồ nuôi, mỗi năm cũng cho lãi 200 - 250 triệu đồng.
Trong khu nuôi ếch, anh Giang đầu tư xây dựng 14 hồ nuôi (mỗi hồ có diện tích 4x10m), được làm nổi. Toàn bộ hồ được bố trí liền kề, nằm dưới gốc những hàng dừa và có hệ thống mái che thưa để tránh nắng cho ếch. Mỗi hồ thả 1 vạn con giống. Sau gần 1 tháng ếch lớn thì phải sang hồ. Khoảng 3 tháng nuôi, sẽ xuất bán ếch thương phẩm. Lúc này ếch đã có trọng lượng 0,25kg/con. Mỗi hồ nuôi đạt gần 2 tấn ếch thương phẩm. Trừ chi phí, mỗi lứa nuôi 1 hồ cho lãi trên 20 triệu đồng. Trung bình mỗi năm nuôi 3 lứa ếch sẽ có lãi trên 60 triệu đồng/hồ.
Ngày càng đúc rút kinh nghiệm nên vợ chồng anh Giang tăng dần hồ nuôi. Khu vực hồ nuôi luôn được bóng cây dừa và mái che mát, giúp hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng.
Đến nay, gia đình anh Giang đã thả giống nuôi đủ cả 14 hồ. Ếch nuôi nhanh lớn và tỷ lệ hao hụt thấp, mỗi hồ đạt 2 tấn ếch thương phẩm/lứa và chủ yếu đạt tiêu chuẩn loại 1.
Ếch thương phẩm của gia đình anh Giang được nhiều thương lái đặt hàng tiêu thụ ổn định. “Tôi phấn đấu có doanh thu khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/năm từ nuôi ếch, trừ chi phí lãi khoảng 800 triệu đồng”, anh Giang cho biết.
Cũng theo anh Giang, việc đầu tư nuôi cá chình đòi hỏi vốn liếng dài hơi vì cá chình thu hoạch sau 12 tháng, đầu tư hệ thống hồ nuôi, thức ăn, hệ thống an toàn… cũng rất lớn. Vì vậy, giải pháp mở rộng hồ nuôi ếch thương phẩm chính là “lấy ngắn nuôi dài” một cách hợp lý.
Anh Giang cho biết nếu thả nuôi cả 14 hồ ếch thì cứ 3 tháng sẽ có lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Số tiền này sẽ đưa vào chi phí cho việc nuôi cá chình. Như vậy sẽ hạn chế vốn vay để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau khi thu hoạch cá chình.
Hàng tháng, lợi nhuận từ 14 hồ nuôi ếch được chi cho hồ nuôi cá chình hoa đặc sản. Đến cuối năm nay, anh Giang cũng vào vụ thu hoạch và cung ứng cá chình đặc sản ra thị trường. Nhờ phát huy được 12 hồ nuôi ếch nên việc nuôi cá chình cũng nhẹ gánh về kinh phí. Cuối năm, nguồn thu từ cá chình khoảng 5 - 6 tỷ đồng là có cả lãi từ nuôi ếch trong đó.