| Hotline: 0983.970.780

1.300 cơ sở chăn nuôi ở Quảng Ninh chưa đúng quy định

Thứ Hai 10/06/2024 , 18:28 (GMT+7)

Hiện, tỉnh Quảng Ninh còn tồn tại gần 1.300 cơ sở chăn nuôi ở nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc diện không được phép chăn nuôi.

Người dân trong khu vực phường, thị trấn, khu dân cư tập trung, tận dụng đất vườn để thả gà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân trong khu vực phường, thị trấn, khu dân cư tập trung, tận dụng đất vườn để thả gà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có gần 38.000 cơ sở chăn nuôi. Qua kết quả điều tra thực trạng chăn nuôi khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc diện không được phép chăn nuôi, tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 1.300 cơ sở chăn nuôi không đúng quy định.

Thực tế cho thấy, tại Quảng Ninh, các khu vực phường, thị trấn, khu dân cư tập trung còn rất ít hộ gia đình chăn nuôi và chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ nuôi từ 1-2 con lợn, 10-30 con gà, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng lao động thời vụ rảnh rỗi hoặc người đã quá tuổi lao động.

Ngoài ra, với các hộ gia đình nêu trên, chăn nuôi không phải là nguồn sinh kế chính, chuồng trại thường được tận dụng, đã xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y.

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, việc điều chỉnh quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đến khu vực hội tụ đủ các điều kiện cho sản xuất chăn nuôi là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, các quy định của Luật Chăn nuôi.

Từ đó hình thành vùng, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học nhằm thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp cho thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.

Năm 2023, Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh về tiến độ xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, những vướng mắc của địa phương để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng nội dung dự thảo Nghị quyết với 3 văn bản của UBND tỉnh và 16 văn bản của Sở NN-PTNT triển khai, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đề xuất.

Trong quý I/2024, Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 văn bản chỉ đạo các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề xuất khu vực không được phép chăn nuôi; đồng thời thành lập tổ công tác để rà soát hồ sơ đề xuất khu vực không được phép chăn nuôi, kiểm tra thực tế tại các địa phương: Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái.

Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngày 14/3/2024, Sở NN-PTNT đã có văn bản số 1301/SNN&PTNT-CN&TY xin ý kiến các sở, ban, ngành và các địa phương tham gia vào dự thảo Đề cương Nghị quyết và đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Hiện nay, 6/13 địa phương (Uông Bí, Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà và Móng Cái) có báo cáo hồ sơ đề xuất gửi về tổng hợp nhưng vẫn còn thiếu ý kiến tham gia cộng đồng dân cư tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi trên địa bàn. Còn 7 địa phương: Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Đầm Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn và Cô Tô chưa có báo cáo và hồ sơ đề xuất gửi về tổng hợp.

Theo quy định tại Luật Chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm các khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu vực xung quanh các cơ sở y tế, trường học, cơ sở văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh; khu vực xung quanh các nguồn nước, ao hồ, sông suối, kênh rạch, mương máng; khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; các khu vực khác theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Thực hiện Luật Chăn nuôi, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết di dời, loại bỏ những cơ sở chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, không phù hợp với quy hoạch; xử lý vi phạm đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Qua đó, khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như cảnh quan đô thị, từ đó có chiến lược, kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh.

Thời gian tới, ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng 6 vùng chăn nuôi tập trung với hạ tầng đồng bộ thu hút khoảng 200 tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, mỗi địa phương có 1-2 cơ sở, giảm 80% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đảm bảo 90% số gia súc, gia cầm được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.

Xem thêm
Tổ chức Thú y Thế giới có tân Tổng Giám đốc

Tiến sĩ Emmanuelle Soubeyran được bầu làm tân Tổng Giám đốc của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Đất trũng nở hoa sen

Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các đầm sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp cho Thành phố mà còn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.