Vài năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ qua hướng tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu nhập cao nhờ chuyển đổi mô hình nuôi gia súc tập trung
Sapo: Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình.
Đây là trang trại nuôi gia súc của anh Bùi Đại Tá, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Trước đây, anh chỉ chăn nuôi nhỏ, lẻ thu nhập thấp, nhưng từ ngày được sự vận động của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại từ đất của gia đình tạo thành vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung. Đến nay, gia đình anh Tá có hơn 100 con gia súc, mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh BÙI ĐẠI TÁ - Thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Trước đây nuôi nhỏ lẻ, thì một người dân nuôi 3, 4 con bò thôi nhưng cũng phải đi chăn đi thả, nhưng nuôi tập trung thì một người dân thì có thể nuôi được cả trăm con bò, lợi ích nhiều hơn, giảm nhân công, giảm chi phí tăng lợi nhuận.
Theo anh Tá từ ngày chuyển sang chăn nuôi tập trung, việc chăm sóc trâu, bò đã bớt vất vả, thỉnh thoảng anh chỉ ghé thăm, dọn dẹp và cho ăn. Ngoài ra, nhờ sự tư vấn của chính quyền địa phương, anh đã mua vaccine tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, thiết kế ao cá, trồng cây, phát triển theo hướng tuần hoàn, vì vậy bò của anh luôn khỏe mạnh và được giá cao khi xuất bán.
Anh TRẦN VĂN ĐƯỢC - Thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Công việc rất là nhàn, tối thì mình chỉ cho bò một đống rơm, sáng thì 9h mình mới đến cắt cỏ cho bò ăn, về chuồng trại cũng sạch sẽ, có nước có xe rùa, xe ba gác, chở phân này kia. Nói chung rất là nhàn, chỉ lo ăn uống và dọn dẹp cũng nhẹ nhàng.
Ông TRẦN QUỐC DUY - Giám đốc TT Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước
Khi người dân chăn nuôi tập trung và liên kết chuỗi giá trị, tạo ra được 1 vùng nguyên liệu lớn thì sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư đến và sẽ ngày càng nhiều nông trại vệ tinh, làm sao đó cung ứng được đủ sản lượng, số lượng vùng nguyên liệu sạch cho đầu mối tiêu thụ và để làm được điều đó, chẳng có một cái giải pháp nào tối ưu bằng chăn nuôi tập trung.
Để chăn nuôi tập trung bền vững, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thành lập các hợp tác xã, tập trung đất đai để đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, hoặc liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi để ổn định đầu ra. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để có thể kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao.