| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nông hộ lao đao vì dịch bệnh

Chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh

Thứ Ba 03/10/2023 , 08:46 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiều dịch bệnh mới nguy hiểm phát sinh cần có những hướng đi phù hợp.

Hiện, Quảng Ngãi mới chỉ có 42 trang trại chăn nuôi heo tập trung, còn đa số vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo mô hình nông hộ hoặc gia trại. Ảnh: L.K.

Hiện, Quảng Ngãi mới chỉ có 42 trang trại chăn nuôi heo tập trung, còn đa số vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo mô hình nông hộ hoặc gia trại. Ảnh: L.K.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh này khoảng gần 385.000 con (chưa kể lợn con theo mẹ). Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 42 trang trại chăn nuôi heo tập trung, còn đa số vẫn là hình thức chăn nuôi theo mô hình nông hộ nhỏ lẻ, manh mún.

Với kiểu chăn nuôi quy mô gia đình, hầu hết các chủ hộ đều tận dụng những khoảng đất vườn quanh nhà, trong khu dân cư để xây dựng chuồng trại. Điều này không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch khi heo nuôi tiếp xúc nhiều nguồn mang mầm bệnh khác nhau, khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý.

Qua ghi nhận tại các chủ hộ chăn nuôi, nhiều người cũng ý thức được vấn đề này. Như chuồng nuôi heo của gia đình bà Phạm Thị Sẻ (trú thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Do không có hệ thống thoát nước, chất thải chăn nuôi nên xung quanh khu vực chuồng heo của gia đình bà thường xuyên bốc mùi hôi.

“Biết thế nên thời gian qua tôi không dám nuôi nhiều. Mỗi năm chỉ thả nuôi 1 đợt vừa để tận dụng thức ăn thừa. Đồng thời, 1 phần chất thải cũng được xử lý để lấy gas phục vụ nấu nướng. Thông thường, cứ khoảng mấy tháng cuối năm, gia đình tôi đều tạm dừng hoạt động chăn nuôi để thuận lợi cho công tác xử lý chất thải dư thừa, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình xung quanh”, bà Sẻ nói.

Trại chăn nuôi của ông Trần Văn Trúc (xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) được thực hiện theo mô hình khép kín, an toàn sinh học nên những năm qua đều không bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: L.K.

Trại chăn nuôi của ông Trần Văn Trúc (xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) được thực hiện theo mô hình khép kín, an toàn sinh học nên những năm qua đều không bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: L.K.

Nhận thấy việc chăn nuôi theo mô hình nông hộ trong khu dân cư gây ra nhiều hệ lụy về môi trường cũng như tiềm ẩn dịch bệnh, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi trang trại. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng khuyến khích các cơ sở chăn nuôi heo, gà theo mô hình khép kín, an toàn sinh học nhằm giảm thiểu rủi ro trước dịch bệnh.

Nhờ đó, thời gian qua, tại tỉnh này cũng đã hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Nhiều cơ sở chăn nuôi heo sử dụng hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và chống biến đổi khí hậu, giúp người chăn nuôi chủ động trong sản xuất.

Tại gia trại chăn nuôi của gia đình ông Trần Văn Trúc (thôn An Phú, xã Hành Thuận, Nghĩa Hành) đang triển khai theo mô hình khép kín “nội bất xuất, ngoại bất nhập” suốt nhiều năm qua. Nguồn thức ăn đầu vào cũng được kiểm soát nghiêm ngặt.

Ngoài ra, trung bình mỗi tuần, ông Trúc đều tiến hành phun khử khuẩn 1 lần để tránh phát sinh mầm bệnh. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, từ lúc bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi nhưng gia trại của ông không hề bị ảnh hưởng. Đàn heo phát triển tốt, xuất chuồng đều đặn mỗi năm 2 đến 3 lứa.

“Hiện nay, trại nuôi của tôi đang duy trì thường xuyên khoảng 150 con heo thịt trong chuồng. Nuôi theo mô hình khép kín này không chỉ tránh được dịch bệnh lây lan mà còn đảm bảo được môi trường an toàn cho heo phát triển, lớn nhanh. Thời điểm xuất bán, mỗi con heo của gia đình tôi đều đạt trọng lượng trung bình trên dưới 100kg. Sau khi trừ chi phí cũng lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Trong điều kiện thực trạng chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay, với mức lãi này cũng thành công rồi”, ông Trúc chia sẻ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, với định hướng phát triển bền vững, hiệu quả ngành chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có quyết định phê duyệt kế hoạch chiến lược phát triển ngành này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của tỉnh là chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang phát triển chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình chăn nuôi nông hộ được duy trì nếu đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường.

Quảng Ngãi sẽ dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi tập trung đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, đảm bảo yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) đối với cơ sở chăn nuôi. Đẩy mạnh tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc và có biện pháp loại trừ các các thể mang trùng đối với các bệnh nguy hiểm, tạo đàn gia súc, gia cầm sạch bệnh.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.