| Hotline: 0983.970.780

Chấm dứt chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển vùng tập trung

Thứ Hai 04/12/2023 , 10:57 (GMT+7)

Đây là nhiệm vụ trọng tâm phát triển chăn nuôi ở Sóc Trăng, nhằm thích ứng tốt với bối cảnh biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Sóc Trăng phấn đấu nâng chất đàn bò thịt, bò sữa của tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Ảnh: Kim Anh.

Sóc Trăng phấn đấu nâng chất đàn bò thịt, bò sữa của tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Ảnh: Kim Anh.

Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực trọng tâm của tỉnh Sóc Trăng từ nay đến năm 2025. Toàn tỉnh hiện có 125 trang trại, với 3 loài vật nuôi chủ lực là heo, bò và gia cầm.

Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt 365.000 con, tăng hơn 10% so với năm 2020. Trong đó, đàn bò phát triển trên 54.000 con, sản lượng sữa cung cấp ra thị trường hàng năm trên 13.000 tấn. Ngoài ra, để nâng số lượng và chất lượng đàn bò thịt, bò sữa của tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò tại 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn.

Ông Võ Quốc Khải ở xã Phú Hữu, huyện Long Phú hơn 6 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi gia súc. Ban đầu, ông nuôi heo thịt, heo cho sinh sản, thế nhưng trước tác động của dịch tả heo Châu Phi, khiến quy mô đàn bị thiệt hại nặng, thất thoát về kinh tế. Từ đó, ông Khải quyết định dịch chuyển sang nuôi dê, một trong những loài vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Từ 7 con dê cái tơ ban đầu, đàn dê phát triển sinh sản tốt, mỗi năm trung bình ông Khải cung cấp 14 - 18 con dê thịt. Số lượng đàn dê thịt và dê giống cũng tăng lên 20 con, giúp ông có thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.

Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2023, đơn vị đã triển khai 28 dự án, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu với tổng kinh phí 8,9 tỷ đồng tập trung vào 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tập trung chuyển đổi giống vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tập trung chuyển đổi giống vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo sinh sản năng suất, chất lượng cao tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các tỉnh Phía Nam, giai đoạn 2022 - 2024” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tỉnh Sóc Trăng được chuyển giao 180 con heo giống cho nông dân huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm.

Ngoài ra, bà con được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và một số loại vacxin, thuốc sát trùng theo quy định, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn heo sinh sản theo hướng an toàn sinh học.

Mô hình này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mà con nâng cao nhận thức hộ nuôi trong việc kiểm soát chất lượng con giống, vệ sinh chuồng trại và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Bởi chăn nuôi an toàn sinh học được xem là “chìa khóa” quyết định thành bại của mô hình, nhất là trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện nay lệ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi phát sinh và ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, dịch tả heo Châu Phi vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung chuyển đổi giống vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng, số lượng, phù hợp với nhu cầu người nuôi và xu thế phát triển chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế thấp nhất rủi ro về dịch bệnh trên đàn vật nuôi, quan tâm thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường. Từ đó, thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chấm dứt chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi.

Tỉnh Sóc Trăng định hướng hình thành vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chấm dứt chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Sóc Trăng định hướng hình thành vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chấm dứt chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, thành công từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai hiệu quả trong những năm tới.

Mới đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Sóc Trăng (Sở KHCN) phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạnh Trị hướng dẫn người dân triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ chua thân cây bắp và cỏ làm thức ăn cho bò.

Phụ, phế phẩm nông nghiệp ngoài việc được dùng sản xuất phân bón hữu cơ còn được tận dụng sản xuất thức ăn cho gia cầm, gia súc. Đây là nguồn thức ăn có lượng dinh dưỡng cao, kích thích đàn bò phát triển khỏe mạnh. Thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng, giúp người dân đa dạng nguồn thức ăn trong chăn nuôi, tiết kiệm chi phí.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.