Người dân Cù Lao Dung (Sóc Trăng) phát triển nuôi thủy sản, du lịch sinh thái, giúp cân bằng hệ sinh thái bền vững cho rừng phòng hộ ven biển.
Phát triển kinh tế, cân bằng hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển
Đây là điểm du lịch sinh thái của gia đình anh Trương Văn Dũng ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, với diện tích khoảng 5ha rừng được ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giao khoán bảo vệ. Ngoài nuôi trồng thủy sản, gia đình anh Dũng còn tận dụng lợi thế từ rừng để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Phát biểu Anh TRƯƠNG VĂN DŨNG - Xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
“Từ ngày đưa mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng này tôi thấy rất hạnh phúc, có cuộc sống ổn định hơn, khỏe hơn, mình làm tour du lịch nên giờ cuộc sống ổn định hơn nhiều. Rừng này vừa làm du lịch rồi bây giờ không ai đụng tới luôn, khu vực bãi này ngày càng ra và nhân rộng thêm ”.
Phát biểu Bà DORIS KLINNERT - Du khách đến từ đất nước Đức: “Tôi rất bất ngờ khi đến thăm nơi đây. Được tận mắt xem những hoạt động hàng ngày của khỉ trong khu vực rừng ven biển, du ngoạn trên thuyền khám phá bãi biển, tuy rất sợ với sông nước nhưng đó là những trải nghiệm mới mẻ mà trước đây tôi chưa từng trải qua.”
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có chiều đường bờ biển khoảng 17km, với trên 1.700 ha rừng phòng hộ, tạo thành một vùng bãi bồi đầy tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, cân bằng hệ sinh thái bền vững trong rừng.
Phát biểu Bà PHAN THỊ TRÚC GIANG - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng: “Nhờ các hoạt động sinh lợi nên giúp cho người dân ở khu vực dưới tán rừng họ góp phần bảo vệ hệ sinh thái dưới tán rừng cũng như bảo vệ rừng phòng hộ của mình, vừa phát triển kinh tế cũng vừa tạo đai rừng để phòng chống gió biển, sóng biển để bảo vệ tốt các đê biển của Cù Lao Dung”
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc trồng và phát triển rừng được xem là mục tiêu quan trọng hiện nay của tỉnh, vừa giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt đây là nguồn tài nguyên để người dân vùng ven biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.