| Hotline: 0983.970.780

Bám đất rừng, nông dân Cù Lao Dung làm du lịch sinh thái bài bản

Thứ Ba 28/03/2023 , 09:36 (GMT+7)

Sóc Trăng Bám biển, bám rừng, nông dân huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng lựa chọn phát triển sinh kế bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng, hình thành điểm du lịch sinh thái bài bản.

Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng được “bao bọc” bởi 17km đường bờ biển, với trên 1.700 ha diện tích rừng phòng hộ, tạo thành một vùng bãi bồi đầy tiềm năng để địa phương phát triển du lịch sinh thái.

Nép mình bên con đường đê, chỉ đi vài bước chân đã đến khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung.

Điểm du lịch sinh thái do anh Trương Văn Dũng đầu tư khiến du khách vô cùng thích thú. Đây là một trong những mô hình nằm trong nhóm đồng quản lý rừng ven biển do UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai.

Điểm du lịch sinh thái được hình thành nhờ khai thác giá trị từ rừng mang lại. Ảnh: Kim Anh.

Điểm du lịch sinh thái được hình thành nhờ khai thác giá trị từ rừng mang lại. Ảnh: Kim Anh.

Trước đây, anh Dũng nối nghiệp gia đình làm nghề đánh bắt thủy sản ven biển, nhận thấy nguồn lợi đang dần cạn kiệt, việc đánh bắt cũng không mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. 40 năm bám biển, bám rừng, anh Dũng quyết định từ bỏ.

Được ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giao khoán khai thác và bảo tồn 5ha rừng phòng hộ, anh Dũng “bắt tay” phát triển sinh kế bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng, từ đây ý tưởng làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng manh nha hình thành.

Anh Dũng bộc bạch, việc giao khoán rừng giúp cho bản thân anh ý thức hơn trong việc khai thác các nguồn lợi thủy sản tự nhiên một cách khoa học, vừa nuôi trồng, vừa bảo vệ để thủy sản ngày càng phát triển.

Ngoài ra, anh Dũng cũng tham gia tổ bảo vệ rừng, được tập huấn các kiến thức pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khu vực rừng phòng hộ giờ đây trở thành điểm nhấn tại khu du lịch của gia đình, được nhiều du khách lựa chọn.

Tại đây anh Dũng đầu tư xây dựng các cầu tre, nhà dừng chân dọc khu bãi bồi rừng đước, hệ thống thuyền đưa khách đi tham quan.

Anh Trương Văn Dũng, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung phát triển sinh kế bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng và làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Văn Vũ.

Anh Trương Văn Dũng, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung phát triển sinh kế bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng và làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Văn Vũ.

Đưa chúng tôi dạo lướt một vòng trong khu rừng bần, ra đến tận cửa biển, chỉ tay về vùng rừng bần ở phía xa, anh Dũng cho biết, rừng mỗi năm lại dày hơn và vươn ra biển, tạo thành tấm lá chắn, người dân sinh sống ở Cù Lao Dung cũng yên tâm hơn. Nơi đây còn là nơi trú ngụ của loài khỉ, các loại chim rừng, vừa sinh sống, phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của rừng.

Tham gia mô hình sinh kế dưới tán rừng do Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD-ICRSL) hỗ trợ từ năm 2016, anh Dũng thả nuôi vọp, ốc len, đặt thêm vèo nuôi cá thòi lòi, thả nuôi cua, cá trong ao… thủy sản được phát triển tự nhiên, đỡ công chăm sóc. Bà con nuôi vừa nhàn rỗi, đỡ chi phí thức ăn vì tận dụng được nguồn thức ăn trong tự nhiên.

Hiện nay, giá ốc len dao động ở mức 100.000 – 120.000 đồng/kg, vọp 45.000 đồng/kg, cua trên 300.000 đồng/kg. Qua gần 7 năm thực hiện, lợi nhuận mỗi năm gia đình anh Dũng thu về lên tới cả trăm triệu, sinh kế ổn định và bền vững, không thua gì nghề đánh lưới ven biển như trước kia.

Anh Dũng cho biết, rừng mỗi năm lại dày hơn và vươn ra biển, tạo thành tấm lá chắn, bảo vệ cho người dân Cù Lao Dung. Ảnh: Kim Anh.

Anh Dũng cho biết, rừng mỗi năm lại dày hơn và vươn ra biển, tạo thành tấm lá chắn, bảo vệ cho người dân Cù Lao Dung. Ảnh: Kim Anh.

Khai thác giá trị từ rừng mang lại, anh Dũng xây dựng các dịch vụ trải nghiệm cho du khách tham quan như: Đi cầu tre xem khỉ, xem ốc len, cá thòi lòi, thủy sản thiên nhiên. Bơi thuyền cho khách tham quan rừng bần ven biển hay du khách có thể bơi thuyền khai thác thủy sản trong ao.

Ngoài ra, anh Dũng cũng kết hợp với nhiều điểm tham quan khác trong vùng để tạo thành cụm du lịch cộng đồng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ vui chơi, giải trí, tham quan đến lưu trú. Theo tính toán của anh Dũng, chỉ riêng điểm tham quan của gia đình vào đợt cao điểm, lượng du khách lên đến hàng nghìn khách một tháng.

Bà Doris Klinnert, du khách đến từ đất nước Đức tỏ ra vô cùng bất ngờ khi đến thăm điểm du lịch sinh thái. Bà được tận mắt xem những hoạt động hàng ngày của khỉ trong khu vực rừng ven biển, được du ngoạn trên thuyền khám phá bãi bần, tuy rất sợ với sông nước nhưng theo bà Doris đó là những trải nghiệm mới mẻ mà trước đây bà chưa từng trải qua.

Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng tập trung trồng mới và có kế hoạch bảo vệ diện tích rừng hiện có, quan tâm phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng để cân bằng hệ sinh thái bên trong rừng. Ảnh: Văn Vũ.

Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng tập trung trồng mới và có kế hoạch bảo vệ diện tích rừng hiện có, quan tâm phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng để cân bằng hệ sinh thái bên trong rừng. Ảnh: Văn Vũ.

Xác định rừng là lá phổi thiên nhiên, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc trồng rừng, phát triển rừng là mục tiêu quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Bởi rừng vừa giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đặc biệt đây còn là nguồn lợi để người dân vùng ven biển phát triển kinh tế dưới tán rừng. Vì thế, trong năm 2023, ông Nam yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đẩy mạnh thực hiện trồng mới và có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Nhất là quan tâm phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng nhằm cân bằng hệ sinh thái bên trong rừng.

Để phát triển diện tích rừng, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện trồng mới hơn 71 ha rừng phòng hộ, trồng lại rừng sản xuất sau khai thác hơn 112 ha, diện tích rừng được chăm sóc gần 511 ha (đối với rừng sản xuất) và 426 ha (đối với rừng phòng hộ).

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.