Nhiều vi phạm trong khai thác cát, sỏi ở Bắc Kạn. Gieo sạ cụm chỉ sử dụng 3,5kg giống mỗi sào. Hoàn thiện khâu logistics để thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc. Ninh Thuận bổ sung nho, táo vào danh mục ưu tiên xuất khẩu.
(1) Nhiều vi phạm trong khai thác cát, sỏi ở Bắc Kạn
Ngọc Tú sx
Từ năm 2019 tới nay, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác cát 3 mỏ cát, sỏi trên địa bàn huyện Na Rì. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phát hiện 3 mỏ này có nhiều vi phạm kéo dài. Nổi cộm nhất là cả 3 mỏ đều vi phạm lĩnh vực đất đai, khoáng sản, xây dựng và bảo vệ môi trường. Một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang được ngành chức năng xem xét xác minh thêm. Tại mỏ Nà Khon-Nà Diệc, Công ty cổ phần bê-tông và vật liệu xây dựng An Bình đã tự ý thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của một hộ dân để san gạt tạo mặt bằng. Công ty này cũng ngang nhiên xuất bán lậu hơn 1.000m3 đá cuội đã tuyển rửa. Tương tự, tại mỏ Cốc Coóc-Bản Pò, Công ty cổ phần Sao Mai Bắc Kạn đã chiếm sử dụng 200m2 đất nằm trong diện tích đã được tỉnh Bắc Kạn cho thuê để thực hiện dự án gạch không nung xi-măng cốt liệu ở gần đó. Công ty đã khai thác cát không đúng thời gian khai thác quy định, đến tháng 1/2024 vẫn không có giấy phép môi trường.
Còn tại mỏ Hợp Thành-Hát Lài, Công ty cổ phần xây dựng thương mại Hiền Dung đã sử dụng hơn 1,6ha làm khu phụ trợ 2 khi chưa được nhà nước cho thuê đất vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
(Tin 2) Gieo sạ cụm chỉ sử dụng 3,5kg giống mỗi sào
Tâm Phùng - Tâm Đức sx
Vào vụ đông - xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Bình triển khai mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợi tác xã dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), trên diện tích gần 1 ha.
Sau 60 ngày gieo, cây lúa trên đồng phát triển tốt và đang vào thời kỳ đẻ nhánh. Trung bình mỗi cụm lúa có từ 12 - 15 nhánh phát tiển tốt và chưa có dấu hiệu bị sâu bệnh.
Theo bà con nông dân, lúa gieo sạ cụm bằng máy chỉ sử dụng từ 3 - 3,5 kg giống mỗi sào. Trong khi gieo truyền thống phải sử dụng ít nhất là 6 kg mỗi sào. Gieo sạ cụm bằng máy, bà con nông dân không phải tỉa dặm lúa như gieo truyền thống. Trung bình mỗi sào, nông dân tiết kiệm được 2 công lao động tỉa dặm lúa.
Hiện, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo bà con theo dõi, chăm sóc lúa gieo sạ cụm bằng máy để có năng suất cao, hiệu quả lớn để làm căn cứ nhân rộng mô hình.
(Tin 3) Hoàn thiện khâu logistics để thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc
Thảo Phương khai thác
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Kí Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam, muốn thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc thì phải “chắp cánh” cho khâu logistics hoàn thiện hơn nữa, cũng như nâng cao năng lực vận chuyển đa phương thức.
Để minh họa cho dẫn chứng trên phải kể để đến đất nước Chile nằm rất xa Trung Quốc, khoảng cách tương đương từ Việt Nam sang Mỹ. Thế nhưng, quốc gia này lại xuất khẩu thành công nhiều mặt hàng rau quả sang Trung Quốc bằng đường tàu biển.
Năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam một cách xuyên suốt để phục vụ vận chuyển hàng hóa rau quả bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Khi khâu hạ tầng logistics được hoàn thiện thì việc gia tăng kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
(Tin 4) Ninh Thuận bổ sung nho, táo vào danh mục ưu tiên xuất khẩu
Thaỏ Phương kt
Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, UBND tỉnh Ninh Thuận đã bổ sung kế hoạch, đưa sản phẩm nho, táo vào danh mục ưu tiên, hỗ trợ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 1.300 ha nho với sản lượng 40.000 tấn/năm, 1.000 ha táo với sản lượng 43.000 tấn/năm. Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 sẽ có sản phẩm nho, táo xuất khẩu.
Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 2.000 ha nho với sản lượng 72.000 tấn/năm và 1.200 ha táo với sản lượng 54.000 tấn/năm. Trong đó, tỉnh dành 300 ha nho với sản lượng 8.000 tấn và 200 ha táo với sản lượng 12.000 tấn để phục vụ xuất khẩu.
Qua đó, UBND tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 sẽ xuất khẩu 20.000 tấn nho, táo sang các thị trường mục tiêu như: Nga, Trung Quốc, Ucraina…