Phát triển ‘nóng’ sầu riêng, chanh dây, Cục Trồng trọt lên tiếng. Cần nâng mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy. Hà Tĩnh: Hàng loạt sâu bệnh gây hại trên cây ăn quả có múi. Nuôi lươn không bùn lãi 30 - 40 nghìn đồng/kg.
Phát triển ‘nóng’ sầu riêng, chanh dây, Cục Trồng trọt lên tiếng
Tuấn Anh SX
Theo báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến hết năm 2022 diện tích sầu riêng của cả nước là hơn 112 nghìn héc ta, sản lượng 863 nghìn tấn. Còn diện tích trồng chanh dây với 9,5 nghìn héc ta, sản lượng 189 nghìn tấn, thuộc nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100 nghìn tấn/năm của nước ta.
Cục trồng trọt cũng khuyến cáo việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng chanh dây và sầu riêng, có nguy cơ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Thậm chí, có hiện tượng nông dân chặt bỏ cây lâu năm khác như cà phê, hồ tiêu… chuyển sang trồng sầu riêng, chanh dây.
Từ đó, Cục trồng trọt đề nghị các địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế để phát triển sầu riêng, chanh dây dựa theo đề án do Bộ NN-PTNT đã ban hành từ việc xây cây giống đạt chuẩn, đến quy trình chăm sóc, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
CẦN NÂNG MỨC HỖ TRỢ LỢN BỊ TIÊU HỦY
Ngọc Tú – Quang Linh
Sáng 10/8, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh tình hình phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn và xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi nhưng người dân không thông báo cho cơ quan chức năng.
Đại diện các địa phương, đơn vị chuyên môn đề xuất mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất và đơn vị lực lượng vũ trang có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do do phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, cần phân định mức hỗ trợ đối với lợn sinh sản và lợn thịt, do đây là hai loại có giá trị chênh lệnh rất lớn.
Đặc biệt, cần làm rõ mức hỗ trợ người tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và gấp đôi trong ngày nghỉ, ngày lễ, tết, để tạo động lực và giúp cán bộ thú y yên tâm công tác.
Hà Tĩnh: Hàng loạt sâu bệnh gây hại trên cây ăn quả có múi
Thanh Nga sản xuất
Hơn một tuần nay, thời tiết trên địa bàn Hà Tĩnh nóng ẩm, có mưa rào xen kẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại trên cây ăn quả có múi ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.
Cụ thể, ruồi đục quả xuất hiện trên các vườn bưởi Phúc Trạch không được bao trái, diện tích gây hại khoảng 40 héc ta; sâu đục thân, đục cành 15 héc ta; nhện nhỏ xuất hiện trên lá và quả, diện tích gây hại 60 héc ta; bệnh nứt thân xì mủ 10 héc ta. Ngoài các đối tượng sâu bệnh trên, hiện nay rệp muội, bọ xít cũng đã xuất hiện, gây hại rải rác trên những vườn cây ăn quả có múi của các hộ trồng lâu năm, vì vậy bà con cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc và phun thuốc diệt trừ kịp thời để bảo vệ quả.
Nuôi lươn không bùn lãi 30-40 nghìn đồng/kg
Kim Sơ sx
Anh Đặng Minh Hiệp, thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận hiện rất thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, sử dụng thức ăn công nghiệp.
Anh Hiệp cho biết, sau 3 năm gây dựng, đến nay, anh đã phát triển mô hình nuôi lươn không bùn trên khu vực có tổng diện tích 1.000 m2, với hơn 20 ô nuôi với kích thước từ 3-6 m2 mỗi ô. Trong đó, các ô nuôi nhỏ anh sử dụng ương con giống, còn ô lớn để nuôi thương phẩm và nuôi đẻ. Nhờ sản xuất thành công con giống, anh Hiệp chủ động thả lươn theo kiểu cuốn chiếu, nên thu hoạch quanh năm, dao động từ 15-20 kg/ngày.
Với giá lươn thương phẩm hiện từ 140-150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh lãi 30-40 ngàn đồng/kg.