Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn gia cầm, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Phòng chống dịch bệnh 'tấm lá chắn' bảo vệ đàn gia cầm
Với quy mô trang trại từ 4-5 nghìn con gia cầm một lứa, tổng số tiền đầu tư chuồng trại và con giống ước khoảng nửa tỷ đồng, chính vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố hàng đầu đối với chủ trang trại. Bởi nếu không làm tốt, thiệt hại không chỉ về kinh tế của cá nhân mà còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang nơi khác.
Chị NÔNG THỊ TUYẾN, Xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn
Chăn nuôi quy mô rất là lớn, hiện tại hơn 4 nghìn con nên nhà tôi trú trọng nhất là phòng chống dịch bệnh, tiêm các vắc xin phòng bệnh cho đàn vịt.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4,5 triệu con gia cầm được chăn nuôi theo hình thức trang trại tập thể và hộ gia đình. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xuất hiện lẻ tẻ một vài ổ dịch về cúm gia cầm, chủng A/H5N6.
Để phòng chống cúm gia cầm bùng phát, cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, chú trọng việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin; bổ sung thức ăn dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gà; thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học vừa khử mùi hôi vừa hạn chế mầm bệnh.
Ông NGUYỄN NAM HÙNG Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn
Đối với cơ quan chuyên môn, công tác tiêm phòng phòng chống dịch bệnh là biện pháp quan trọng nhất cho đàn vật nuôi. Do vậy đề nghị UBND các huyện thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân tăng cường công tác tiêm phòng, xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng thôn bản để bà con cùng phối hợp để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả.
Mặc dù đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn chưa xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm nào. Tuy nhiên, với tính chất nguy hiểm của vi rút cúm gia cầm, trong đó có chủng A H5N1 rất nguy hiểm cho con người, do đó cùng với các cơ quan chức năng, việc chủ động kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm là công tác cần thiết mà các cơ sở, hộ chăn nuôi, cần tập trung triển khai thực hiện.