Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện VAAS và Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương giới thiệu giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm để phục hồi và phát triển bền vững ngành tằm tơ trên đất Yên Bái.
Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm" tại tỉnh Yên Bái
Tại xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã phối hợp tổ chức chương trình "Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm" tại tỉnh Yên Bái.
Tới dự chương trình có hơn 100 đại biểu thuộc vùng quy hoạch phát triển dâu tằm cùng đại diện các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ dân trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Yên Bái. Các đại biểu đã thảo luận các vấn đề tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, giải pháp áp dụng các tiến bộ KHKT trong trồng dâu và nuôi tằm nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho nghề trồng dâu nuôi tằm, ngành tằm tơ, liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kén tằm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây dâu tằm và các giải pháp về xử lý môi trường trong chăn nuôi tằm.
Tiến sỹ Hoàng Tuyển Phương – Phó trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)
Tại buổi tọa đàm đại diện các HTX, tổ hợp tác và hộ trồng dâu nuôi tằm đã cũng nêu lên những khó khăn, trăn trở trong phát triển nghề dâu tằm. Kiến nghị việc hỗ trợ kiến thức, cơ sở vất chất, dụng cụ nuôi tằm. Đặc biệt là hỗ trợ trong công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống dâu, giống tằm và quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân và xây dựng nông thôn mới một cách ổn định và bền vững ngành tằm tơ.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Min – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương
Việt Nam là một trong một số ít nước có truyền thống và có nhiều lợi thế để phát triển trồng dâu, nuôi tằm, đặc biệt một số địa phương có lợi thế về khí hậu và đất đai như Lâm Đồng, Yên Bái, Sơn La. Chính vì vậy, chúng ta cần nằm bắt những cơ hội này để phục hồi và phát triển bền vững ngành tằm tơ./.