| Hotline: 0983.970.780

Dâu tằm nhả 'sợi tơ vàng'

Thứ Tư 17/05/2023 , 09:09 (GMT+7)

YÊN BÁI Cùng với 'thủ phủ' dâu tằm tơ Lâm Đồng ở phía Nam, ở phía Bắc, ngành dâu tằm tơ của Yên Bái đang bứt lên mạnh mẽ, với tiềm năng vô cùng rộng mở.

Bài liên quan

Với đặc thù của một huyện miền núi, trước đây, diện tích đất nông nghiệp ven sông, suối của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) chủ yếu được gieo cấy lúa nước và trồng các loại cây lương thực như ngô, đậu, đỗ và các cây màu ngắn ngày. Sau 20 năm bén rễ sinh sôi, hiện nay, Trấn Yên đã hình thành vùng dâu tằm tập trung với gần 900ha. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã và mang lại kế sinh nhai cho hàng nghìn hộ dân với thu nhập cao. Yên Bái nói chung, huyện Trấn Yên nói riêng đang nổi lên là vùng dâu tằm cho năng suất kén cao hàng đầu cả nước và tiềm năng phát triển vô cùng rộng mở.

Cây dâu, con tằm đã tạo nên một diện mạo tươi sáng cho vùng quê này, góp phần không nhỏ xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc.

NGười dân xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) chăm sóc tằm thời kỳ ăn rỗi. Ảnh: Thanh Tiến.

NGười dân xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) chăm sóc tằm thời kỳ ăn rỗi. Ảnh: Thanh Tiến.

Hành trình chật vật đến với nghề dâu tằm

Bài liên quan

Huyện Trấn Yên nằm trải dài 2 bên bờ sông Hồng với những cánh đồng phù sa màu mỡ do dòng sông bồi đắp. Toàn huyện có diện tích tự nhiên gần 63.000ha, nhiệt độ trung bình năm là 23 độ C. Đây là điều kiện đặc biệt phù hợp để địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Trước kia, những diện tích đất soi bãi màu mỡ ven sông ở Trấn Yên chủ yếu được người dân cấy lúa và trồng các loại cây màu ngắn ngày như ngô, lạc, đậu tương, mía, chuối..., thậm chí nhiều diện tích bỏ hoang do thiếu nước tưới.

Theo lời kể của ông Lê Văn Tạo, nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên: So với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm có bề dày truyền thống, nghề dâu tằm tơ đến với huyện vùng núi này khá muộn. Năm 2001, đoàn công tác của huyện do trực tiếp ông và các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, Phòng NN-PTNT huyện đã đến tỉnh Thái Bình tham quan, tìm hiểu về nghề dâu tằm.

Trong chuyến đi đó, đoàn đã đến tham quan cánh đồng trồng dâu ven sông Hồng của các xã của huyện Vũ Thư, sau đó đoàn đã mua 3kg hạt giống dâu của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) về để ươm cây giống tại thôn Lan Đình (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên).

Con tằm là vật nuôi khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao, môi trường sống phải đảm bảo sạch. Chính vì vậy, huyện cũng phải lựa chọn địa phương mà người dân có trình độ kỹ thuật canh tác tốt và xác định làm bài bản “ra tấm, ra món”, chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình.

Hiện nay, nghề dâu tằm đã giúp người dân Trấn Yên có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/ha dâu. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, nghề dâu tằm đã giúp người dân Trấn Yên có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/ha dâu. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Mô hình thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm được giao cho Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên triển khai thực hiện. Qua đó, đã lựa chọn 4 người gồm trưởng thôn, hội viên nông dân, phụ nữ thực hiện trồng dâu trên diện tích khoảng hơn 1 mẫu tại cánh đồng thôn Lan Đình (xã Việt Thành). Tiếp đó, huyện đã tổ chức nhiều chuyến đưa các hộ dân đi tham quan, học tập tại các làng nghề trồng dâu nuôi tằm hiệu quả như huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình)...

Sau khi thử nghiệm cho thấy cây dâu, con tằm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, huyện Trấn Yên đã quyết định nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích. Ban đầu huyện lựa chọn các xã Việt Thành, Báo Đáp, Y Can để mở rộng diện tích trồng dâu.

Để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, huyện đã mời 2 kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương về theo dõi, hướng dẫn trực tiếp trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, còn thuê 2 người dân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dâu nuô tằm ở huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) đến trực tiếp cùng làm để "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây dâu, thu hái lá, nuôi tằm…

Dâu tằm mang diện mạo mới cho nông thôn

Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (nguyên Trưởng phòng NN-PTNT huyện), người đầu tiên trực tiếp phụ trách mô hình trồng dâu nuôi tằm cho biết: Khoảng năm 2000 - 2001, ngành dâu tằm tơ ở Việt Nam đang phát triển tốt, giá cả ổn định.

Cán bộ khuyến nông giúp người dân chuẩn bị cây dâu giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con trước khi trồng dâu vụ mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông giúp người dân chuẩn bị cây dâu giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con trước khi trồng dâu vụ mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Tuy nhiên, sau khi bắt tay triển khai trồng dâu nuôi tằm vào địa bàn huyện thì đến thời điểm năm 2002, nghề dâu tằm tơ trên cả nước lại rơi vào thời kỳ suy thoái, khủng hoảng, nhiều làng làng nghề dâu tằm lớn ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình hoạt động kém hiệu quả, diện tích đất trồng dâu nuôi tằm giảm nhiều.

Thời điểm đó, giá tơ lụa trên thị trường thế giới giảm sút (giảm 40 - 50%) so với thời điểm trước đó, ngành sản xuất, kinh doanh dâu tằm tơ chịu nhiều tác động suy giảm về hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã kéo theo nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ngày càng mai một. Tuy nhiên, sau khi nuôi tằm thử nghiệm thành công, huyện Trấn Yên vẫn quyết định nhân rộng mô hình này với phương châm “đi trước đón đầu”, tạo ra vùng nguyên liệu, hình thành nghề mới để nâng cao thu nhập cho đại bộ phận người dân trên vùng đất còn nghèo khó.

Bài liên quan

Trước đây, thôn Lan Đình (xã Việt Thành) còn có tên gọi là “làng chuối xanh” bởi vùng đất ven sông của thôn người dân chủ yếu trồng chuối, thu hoạch xanh bán cho thương lái. Cuộc sống gắn liền với sản xuất nông nghiệp cùng cây lúa, ngô và các loại rau màu nên thu nhập bấp bênh.

Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%, cả làng thi thoảng mới thấy thấp thoáng một vài ngôi nhà xây cấp 4 kiểu cũ. Vui mừng thay, Lan Đình cũng chính là thôn đầu tiên ở Trấn Yên cây dâu tằm bén rễ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng thôn Lan Đình kể lại: Hồi ấy người dân trong thôn nghèo lắm, cuộc sống rất vất vả vì chỉ trông vào cây lúa, cây chuối và một số loại cây màu nên năm được năm mất, nhiều lao động trong thôn không có việc làm phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải sinh hoạt.

Người dân Trấn Yên mở rộng diện tích trồng dâu đầu vụ xuân năm 2023. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân Trấn Yên mở rộng diện tích trồng dâu đầu vụ xuân năm 2023. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2001, khi cây dâu, con tằm xuất hiện, bà con trong thôn còn hoài nghi, thậm chí còn chẳng biết trồng dâu nuôi tằm để làm gì, vì sản phẩm kén tằm thì không làm thực phẩm để ăn được, kén tằm cũng không thể bán ở các chợ trong khu vực được, vậy câu hỏi được đặt ra của người dân là khi có sản phẩm kén thì sẽ bán cho ai và bán ở đâu, giá trị có cao không...

Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, với sự kiên trì, chịu thương, chịu khó của nông dân, đến nay, thôn Lan Đình đã trở thành làng nghề trồng dâu nuôi tằm với gần 90% hộ dân gắn bó với nghề “ăn cơm đứng” này. Cả thôn hiện có 92ha dâu, mỗi hộ dân có từ một vài mẫu đất trồng dâu nuôi tằm, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 56 triệu đồng/năm, trong thôn không còn hộ nghèo.

Ông Nguyễn Thế Ngữ (thôn Lan Đình) là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã Việt Thành mạnh dạn đưa cây dâu vào trồng ở những ruộng lúa kém hiệu quả. Cũng từng có thời điểm tưởng chừng bản thân “vô duyên” với nghề trồng dâu nuôi tằm, thế nhưng bản tính kiên trì, chịu khó học hỏi, đến nay sau hơn 20 năm, cây dâu, con tằm đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông Ngữ.

Hiện tại, với gần 2 mẫu đất trồng dâu để nuôi tằm bán kén, mỗi năm đem về nguồn thu cả trăm triệu đồng. Ông Ngữ bộc bạch: "Khi cây dâu tằm được đưa vào đồng đất quê mình, bà con lo ngại thất bại nhiều hơn là tin tưởng sẽ thành công. Hơn 20 năm qua, nghề dâu tằm của chúng tôi có những thời điểm tưởng phải bỏ cuộc, do thiếu kỹ thuật nên có năm tằm chết nhiều, có năm thì ngập lụt vùi lấp hết ruộng dâu, lúc thì giá kén xuống thấp do đại dịch Covid-19… dẫn đến tâm lý bà con chán nản.

Người dân tham quan, học tập kỹ thuật thâm canh dâu cho năng suất cao tại xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân tham quan, học tập kỹ thuật thâm canh dâu cho năng suất cao tại xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên với sự quan tâm hỗ trợ tỉnh, của huyện và địa phương cũng như sự tận tâm của cán bộ khuyến nông đã giúp chúng tôi có động lực để tin tưởng duy trì. Đến nay, người dân chúng tôi đang được hưởng những thành quả là sự ấm no trong mỗi gia đình, làng quê khang trang, môi trường sống trong lành.”

Sự tâm huyết, kiên trì của của cấp ủy, chính quyền của huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung; sự kiên trì, tận tâm của đội ngũ cán bộ khuyến nông trong việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cùng sự kiên trì của nông dân là những yếu tố quan trọng đưa cây dâu phát triển ngày càng rộng, con tằm ngày càng sinh sôi hiệu quả trên đồng đất Trấn Yên.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.