| Hotline: 0983.970.780

Nghề nuôi tằm thực phẩm lên ngôi

Thứ Ba 23/05/2023 , 06:15 (GMT+7)

NGHỆ AN Không chỉ nghề nuôi tằm phục vụ lấy kén cho ngành dệt lụa, nuôi tằm làm thực phẩm cũng đang ngày càng phất lên do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ngày càng lớn.

Nuôi tằm, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Những năm qua, người dân nơi đây đã chuyển sang nuôi tằm thực phẩm, bước đầu thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi tằm công nghệ cao, mở ra những triển vọng mới cho vùng đất ven sông Lam.

Tằm thực phẩm khan hàng, được giá

Có mặt tại nhà bà Phạm Thị Nguyệt (50 tuổi) ở xóm 4, xã Khánh Sơn khi lứa tằm thứ 2 đang độ “ăn lên”, trong ngôi nhà gỗ mới xây khang trang có 9 nong tre được kê song song trên những giá sắt nặng trĩu. Những con tằm bò lổm ngổm trên mặt nong, chỉ còn vài ngày nữa là chín.

Người dân xã Khánh Sơn duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm từ lâu đời. Ảnh: Huy Thư.

Người dân xã Khánh Sơn duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm từ lâu đời. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Bà Nguyệt cho hay, năm nay gia đình bà nuôi chung với một gia đình khác trong xóm. Lứa tằm đầu tiên nuôi 2,5 vòng trứng được 12 nong tằm, bán được 7 triệu đồng, trừ chi phí cũng kiếm được 6 triệu đồng. Lứa tằm thứ 2 do lá dâu ít hơn nên chỉ nuôi 2 vòng trứng.

Theo bà Nguyệt: “Nuôi tằm tốn ít vốn, chi phí ít, lại quay vòng nhanh, chỉ cần bỏ công ra chăm sóc, sau hơn 3 tuần đã cầm tiền mặt trong tay, mỗi lứa cũng kiếm được vài triệu đồng. So với nuôi trồng các cây, con khác, nuôi tằm có lợi nhất, vì vậy nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn duy trì nghề nuôi tằm làm thực phẩm”.

Với gia đình ông Phạm Giang Nam, một hộ dân cùng xóm, bên cạnh việc nuôi tằm, ông còn cung cấp trứng tằm giống cho bà con trong vùng. Những năm qua, vợ chồng ông đã sử dụng 5 sào đất bãi chuyên trồng dâu để nuôi tằm. Diện tích dâu này đủ nuôi từ 2 - 3 vòng trứng, tương đương từ 8 - 12 nong tằm/lứa.

Gia đình ông Nam đã dùng ngôi nhà sát đường rộng rãi để nuôi tằm. Là người “đứng mũi chịu sào” cung cấp trứng tằm giống cho cả xóm, hàng tháng, gia đình ông vừa lấy trứng về cho nhà mình nuôi, vừa bán trứng cho bà con.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, nhất là tằm thực phẩm hiện đang phát triển rất tốt ở Nghệ An. Ảnh: Huy Thư.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, nhất là tằm thực phẩm hiện đang phát triển rất tốt ở Nghệ An. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Ông Nam chia sẻ: “Nghề nuôi tằm tuy không nặng nhọc nhưng cần sự kiên trì chăm chỉ. Khi tằm “ăn lên”, mỗi ngày phải cho ăn 6 - 7 lần, cho ăn cả đêm. Bà con ở đây hiện đang trồng giống dâu truyền thống ở địa phương, lá xanh tươi, mềm và nuôi giống tằm vàng Thái Bình, tuy nhỏ con nhưng chất lượng tốt. Trong thời buổi "loạn hóa chất" này, tằm là thực phẩm sạch được nhiều người ưa chuộng”.

Hiện xã Khánh Sơn có hàng chục hộ dân làm nghề nuôi tằm. Bà con ở đây chủ yếu nuôi theo từng hộ gia đình với giống tằm vàng, tằm ré thuần Việt có khả năng chống chịu thời tiết nóng, ẩm, ít bị bệnh, chất lượng sản phẩm tốt. Các hộ thường sử dụng diện tích gian nhà trong, gian bếp để nuôi tằm. Mỗi lứa tằm, 1 hộ dân nuôi từ 1 đến 3 vòng trứng (tương ứng  từ 4 - 12 nong tằm).

Theo bà con, thời gian nuôi tằm thực phẩm từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Đầu mùa tằm năm nay, thời tiết khá thuận lợi, các lứa tằm đều phát triển tốt. Trong quá trình trồng dâu nuôi tằm, người dân đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là sáng tạo trong việc dùng lưới nhựa để lót nong tằm.

Nuôi tằm thực phẩm tuy không nặng nhọc nhưng cần sự kiên trì, chịu khó. Ảnh: Huy Thư.

Nuôi tằm thực phẩm tuy không nặng nhọc nhưng cần sự kiên trì, chịu khó. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Sau khi tằm ăn hết lá dâu, chỉ việc nhấc tấm lưới để thay nong, chứ không phải nhặt từng con tằm như trước đây rất tốn công. Bà Phạm Thị Tuyết (64 tuổi), vợ ông Nam chia sẻ: Từ khoảng giữa tháng Giêng âm lịch, người dân nơi đây đã bắt đầu nuôi tằm và thường kéo dài tới khoảng tháng 10 âm lịch (nghỉ nuôi trong mùa đông).

Điều thuận lợi cơ bản của nghề nuôi tằm thực phẩm ở đây là không phải lo đầu ra. Tằm vàng ở Khánh Sơn là thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, được người dân địa phương và khách hàng gần xa lựa chọn. Hiện tại, bà con đang bán tằm tươi với giá trên dưới 110. 000 đồng/kg.

Tằm chín đến đâu, khách hàng đến nhà mua tới đó, không phải mang đi chợ, thậm chí một số nhà còn có đơn đặt trước. Ngoài tằm, phân tằm phơi khô sẽ được lái buôn mua với giá 500.000 đồng/tạ. Nhu cầu về tằm thực phẩm trong dân lớn (phục vụ bữa ăn gia đình, các quán nhậu, nhà hàng…) là tiềm năng cho nghề nuôi tằm ở địa phương.

Gia đình ông Phạm Giang Nam vừa nuôi tằm, vừa cung cấp trứng tằm giống cho nông dân. Ảnh: Huy Thư.

Gia đình ông Phạm Giang Nam vừa nuôi tằm, vừa cung cấp trứng tằm giống cho nông dân. Ảnh: Huy Thư.

Trăn trở lớn nhất của bà con hiện nay là nguồn giống và thức ăn. Giống tằm được lái buôn đưa ngoài Bắc về nên người dân khá bị động về nguồn trứng giống. Khi cần trứng thì không có, khi có thì nuôi đồng loạt, cả làng cùng chín tằm một lúc.

Để nuôi được tằm, phải trồng được dâu. Thời gian qua, các hộ dân gắn bó với nghề nuôi tằm ở đây đã dành nhiều diện tích bãi bồi ven sông Lam để trồng dâu. Hàng năm vào độ tháng 11, bà con sẽ đốn dâu, làm cỏ, bón phân để chuẩn bị cho vụ tằm năm sau. Diện tích dâu sẽ quy định số lượng tằm nuôi trên nong. Hiện nuôi tằm đang có lãi, nhiều hộ muốn tăng số lượng nong tằm, nhưng không đủ nguồn lá dâu.

Thành lập hợp tác xã dâu tằm công nghệ cao

Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Khánh Sơn đã có từ lâu đời. Trước đây, bãi phù sa ven sông Lam từ bến Vực Đồn kéo dài xuống tận đình Hoành Sơn đều xanh mướt màu dâu. Nhà nhà trồng dâu nuôi tằm. Trong làng ngoài xóm, đi đâu cũng thấy cảnh ươm tơ, dệt lụa. Ngày đó phong trào nuôi tằm ở làng Đông Sơn phát triển mạnh, ngoài sản xuất tơ, bà con còn dệt vải lụa để bán ở các chợ.

Người dân lựa tằm để bán khi tằm chín. Ảnh: Huy Thư.

Người dân lựa tằm để bán khi tằm chín. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Mùa tằm, nhà nào cũng vàng rực những nong kén, sân vườn phơi đầy tơ, lụa. Tuy nhiên, thời kỳ làm ăn tập thể, không khí ươm tơ lấy kén chỉ phất lên được một thời gian, rồi rơi vào mai một. Từ hàng trăm gia đình làm nghề nuôi tằm, dệt lụa, dần dà chỉ còn vài chục hộ theo nghề. Mấy năm trở lại nay, do nhu cầu thị trường, hầu hết các hộ nuôi tằm ở Khánh Sơn đã chuyển từ nuôi tằm lấy kén sang nuôi tằm thực phẩm.

Cùng với việc nuôi tằm thực phẩm, trên địa bàn đã thành lập được hợp tác xã nông nghiệp dâu tằm, nuôi trồng giống tằm và giống dâu mới.

Ông Ngô Duy Khánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dâu tằm công nghệ cao Đồng Tiến cho biết, đơn vị mới được thành lập năm 2020 nhưng đã xây dựng được hệ thống chuồng trại ươm, nuôi tằm tương đối hiện đại. Tại đây đang nuôi giống tằm của Trung Quốc và của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, áp dụng kỹ thuật nuôi tằm kiểu mới. Tằm nhỏ, giai đoạn “ăn mốt, ăn hai” được nuôi trong phòng điều hòa, tằm “ăn ba” trở đi được nuôi giữa sàn bê tông, không dùng nong như nuôi tằm truyền thống. 

Tằm đã chín chuyển màu hồng là lúc có thể chế biến thành các món ăn ngon. Ảnh: Huy Thư.

Tằm đã chín chuyển màu hồng là lúc có thể chế biến thành các món ăn ngon. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Theo ông Khánh, đơn vị đang sử dụng khoảng 10 lao động địa phương chăm sóc dâu, tằm và đã trồng được 16ha dâu giống mới (GQ20, VH15), thời gian tới sẽ trồng thêm 4ha nữa. HTX chủ trương nuôi tằm, ươm tơ, nhưng trước mắt đang lấy kén và ươm tơ thử nghiệm. Trung bình 2kg tằm cho 1kg kén, 5,5kg kén cho 1kg tơ.

Hiện sản phẩm kén của HTX sản xuất ra không đủ để bán. Thời gian qua, nhận thấy việc nuôi tằm giống mới mang lại hiệu quả thiết thực, một số hộ dân quanh vùng cũng đã nhận giống của HTX về nuôi, mở rộng, lan tỏa nghề nuôi tằm ở địa phương.

Ông Khánh cho rằng, việc nuôi tằm lấy kén với mô hình trang trại bước đầu đã đạt được những kết quả khả thi, hứa hẹn mở ra triển vọng mới trong việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tạo thêm những sản phẩm mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Khánh Sơn đã tiếp cận nguồn giống tằm mới cho năng suất, chất lượng cao và quy trình nuôi tằm lấy kén trên sàn bê tông. Ảnh: Huy Thư.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Khánh Sơn đã tiếp cận nguồn giống tằm mới cho năng suất, chất lượng cao và quy trình nuôi tằm lấy kén trên sàn bê tông. Ảnh: Huy Thư.

Tại Nghệ An, ngoài xã Khánh Sơn (Nam Đàn), một số địa phương ở các huyện khác như Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu… cũng duy trì nghề nuôi tằm, trong đó có cả tằm thực phẩm và tằm lấy kén.

Việc gìn giữ và phát huy nghề nuôi tằm truyền thống không chỉ đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân mà còn tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tuy có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất, nhu cầu thị trường… nhưng nghề nuôi tằm ở các địa phương nhìn chung còn mang tính nhỏ lẻ, thời vụ. Để mở rộng quy mô, đẩy mạnh phong trào trồng dâu nuôi tằm, bà con phải nghiên cứu nhiều vấn đề, phải có sự quan tâm của các cấp các ngành, sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Cây na sống khỏe trên núi đá nhờ tưới tự động

Thái Nguyên Địa hình núi đá ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Phương án khắc phục trở ngại đó chính là hệ thống tưới tự động.