| Hotline: 0983.970.780

Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương: 20 năm bền bỉ, miệt mài giữ rừng

Thứ Sáu 10/03/2023 , 06:02 (GMT+7)

Những cánh rừng phòng hộ ngút ngàn trên đất Tương Dương không ngẫu nhiên mà có, là thành quả kết tinh của toàn ngành, của chính quyền và cơ quan chuyên môn.

Empty

Để có được thành quả ngày hôm nay, bao thế hệ giữ rừng tại BQL rừng phòng hộ Tương Dương đã phải nỗ lực, cố gắng không ngơi nghỉ. Ảnh: Việt Khánh. 

Nghề giữ rừng vất vả, gian nan, đáng tự hào

Ngày 14/3/2023 là dấu mốc quan trọng, kỉ niệm 20 năm thành lập của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tương Dương. Chặng đường đã qua đầy vất vả, lắm gian truân những rất đỗi tự hào của những thế hệ, những con người cùng chung chí hướng. Họ không quản ngại khó khăn, cùng gắng sức chung tay thực hiện nhiệm vụ cao cả: Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Empty

Gần dân, hiểu dân, có được niềm tin của dân, đó là nền móng vững chắc mà Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương tạo dựng được sau 20 năm. Ảnh: Việt Khánh.

Huyện Tương Dương có tổng diện tích tự nhiên 281.129ha, trong đó 92,3% là đất lâm nghiệp (259.566 ha). Căn cứ Quyết định 245/1998/ QĐ-TTg và Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3/2003 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-UB về việc thành lập BQL rừng phòng hộ Tương Dương nhằm đáp ứng “đa mục tiêu”, vừa gìn giữ lượng nước đầu nguồn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho sinh hoạt đời sống cho các huyện miền tây Nghệ An, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở đất, ngăn lũ ống, lũ quét.

Ban đầu BQL rừng phòng hộ Tương Dương được giao quản lý và bảo vệ 143.183,2 ha, dù vậy để hài hòa song song nhu cầu đất sản xuất và nhiệm vụ phát triển KT-XH, năm 2014 UBND tỉnh quyết định điều chính quy hoạch, chuyển đổi 56.580,85 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và đất khác. Lúc này đơn vị đang quán xuyến 86.602,35 ha, quy mô trải dài khắp địa bàn của 16/17 xã, thị trấn của huyện Tương Dương.

Diện tích quản lý lớn nhưng manh mún, chủ yếu phân bổ ở vùng sâu, vùng xa, nơi giáp ranh biên giới Việt- Lào và các huyện Quế Phong, Con Cuông và Kỳ Sơn. Địa hình hiểm trở, chia cắt nhưng biên chế thiếu hụt so với quy định đặt ra, chế độ của Nhà nước cũng chưa được quan tâm đúng mức, kết hợp phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào vẫn phải cậy nhờ đến rừng, số hộ tái định cư trở lại lòng hồ cư trú và sinh sống bất hợp pháp nhiều… tất thảy vô hình trung tạo thành tấn áp lực khổng lồ đè nặng lên vai cơ quan chủ rừng.

Empty

Diện tích quản lý trải dài, địa hình trắc trở, đi lại khó nhằn khiến nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại Tương Dương không hề giản đơn. Ảnh: Việt Khánh.

Khó khăn chất chồng khó khăn là thực trạng chung của nghề “giữ rừng”, dù vậy được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, sự giúp đỡ của các Sở, ban, ngành liên quan, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của chính quyền các cấp, trên hết là sự cố gắng, nỗ lực không ngơi nghỉ của những con người ngày đêm trực tiếp dấn thân, miệt mài quán xuyến rừng tận gốc, những cánh rừng quý trên đất Tương Dương đã được giữ vững.

Những dấu mốc quan trọng

Trong bối cảnh nhân lực, vật lực còn nhiều hạn chế, đi kèm với đó là hàng loạt yếu tố khó nhằn khác, thành thử nếu không có kế hoạch, lộ trình bài bản, sát sườn, chắc hẳn công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Tương Dương sẽ khó thành.

Từ đòi hỏi thực tiễn, đơn vị xác định công tác truyền truyền là nhiệm vụ then chốt. Thông qua nhiều hình thức (tuyên truyền bằng pano áp phích, khẩu hiệu, bản tin ; tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, của bản; tuyên truyền trực tiếp với cộng đồng, với người thường xuyên vào rừng trái phép…), chủ trương “mưa dầm thấm lâu” đã mang lại thành quả ngọt ngào. Từ những điều mắt thấy tai nghe, rõ ràng ý thức, trách nhiệm của cộng đồng làng bản, của từng người dân với rừng được cải thiện rõ rệt, nguy cơ xâm hại vào rừng được giảm thiểu tối đa, áp lực bảo vệ nhờ đó cũng vơi đi ít nhiều.

Empty

Công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả góp phần giảm thiểu ít nhiều áp lực. Ảnh: Việt Khánh. 

Để tạo ra khác biệt đòi hỏi phải đẩy mạnh quá trình phối, kết hợp, các bên bổ trợ lẫn nhau cùng hướng tới mục tiêu chung. Quá trình thực hiện, BQL rừng phòng hộ Tương Dương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm địa bàn, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm sản, định mức từ 100 – 220 lượt/ năm. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các đồn biên phòng tiến hành tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng gắn với bảo vệ an ninh biên giới, tối thiểu 1 - 2 lần/ tháng.

Đơn vị cũng chủ động xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với 16/17 xã, thị trấn có rừng phòng hộ tại huyện Tương Dương. Tương tự là với Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, ngoài ra còn tham mưu và ký kết quy chế phối hợp giữa kiểm lâm, các chủ rừng với các đồn biên phòng đóng trên địa bàn.

Thấy rằng công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và truy quét lâm sản luôn được chú trọng đặc biệt, nhất là khi Nghị định 01/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Bám vào đây, Ban đã thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (thành phần gồm viên chức và hợp đồng lao động), có trách nhiệm bảo vệ rừng đến tận lô, khoảnh, tiểu khu.

Đi sâu vào chi tiết, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đều đặn tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tối thiểu 10 ngày /tháng, 120 – 150 ngày/ năm; tham gia tổ chức truy quét lâm sản từ 1-2 đợt/ tháng, 15 – 20 đợt/ năm, trung bình thực hiện tuần tra tại gốc từ 600 – 1.000 đợt/ năm… nhờ đó hàng năm đã đẩy, đuổi thành công hàng trăm trường hợp vào rừng phòng hộ trái phép, dở bõ 30 - 50 lán trại dựng trái phép, tháo dỡ 100 - 150 bẫy thú động vật hoang dã các loại; kịp thời ngăn chặn hàng trăm vụ khai thác, xâm canh, lấn chiếm đất rừng và phát rừng làm rẫy…

Hiệu ứng dây chuyền mang đến những tín hiệu tích cực, làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và truy quét lâm sản đã góp phần làm giàu trữ lượng rừng, nâng độ che phủ rừng phòng hộ tại Tương Dương tịnh tiến sau từng năm.

Những con số thống kê đã nói lên tất cả, nếu như năm 2012 diện tích đủ điều kiện chi trả cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại BQL rừng phòng hộ Tương Dương chỉ vỏn vẹn 21.608,12 ha (= 25%), đến năm 2022 diện tích này đã nhảy vọt lên là 72.451,688 ha (= 84%), tính ra tăng đến 50.843 ha chỉ trong 10 năm.

Điểm nhấn ở đây là đồng bào được hưởng lợi từ chính vốn quý mà mình nâng niu, chăm bẵm. Qua thống kê, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng thông qua cung ứng chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực của các thủy điện Bản Vẽ, Xoong Con, Khe Bố, Chi Khê đạt trên 72.451 ha, trong đó phần giao khoán cho cộng đồng thôn bản (80 cộng đồng, 9 hộ gia đình) chiếm hơn 33.437 ha, số tiền chi trả hàng năm dao động từ 7 - 9 tỷ đồng, chiếm 46% khối lượng giao khoán.

Nhìn chung việc quản lý chi tiêu tiền dịch vụ môi trường rừng tại BQL rừng phòng hộ Tương Dương được triển khai nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Chính sách hòa vào nhịp sống đã tạo ra sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó tạo động lực gắn bó mật thiết với rừng.

Empty

Có sự chỉ đạo, định hướng của ngành, sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của chủ rừng, tin rằng vốn quý phòng hộ Tương Dương sẽ được gìn giữ. Ảnh: Việt Khánh. 

An ninh rừng Tương Dương đã yên nhưng không vì thế mà được phép lơ là, xao nhãng, trái lại nhiệm vụ bảo vệ, quản lý rừng phải được duy trì, tiếp nối xuyên suốt. Nằm lòng diễn biến tình hình chung, trong giai đoạn mới BQL rừng phòng hộ Tương Dương xác định phải phát huy hết những ưu điểm đạt được, đồng thời từng bước khắc phục hạn chế, khiếm khuyết.

Riêng khía cạnh quản lý bảo vệ rừng, phải tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan ban ngành có liên quan để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc, linh hoạt các quy định của Nhà nước, của địa phương về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022 - 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.