| Hotline: 0983.970.780

Phân lô bán nền trên đất trồng rừng, chính quyền bất lực

Thứ Tư 02/11/2022 , 09:15 (GMT+7)

Hàng nghìn m2 đất đồi trồng rừng bị 'cạo trọc', phân lô bán nền, thu về tiền tỷ bất hợp pháp, song chính quyền cơ sở không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

anh 2 bai Cao Loc

Hàng nghìn m2 đất đồi, được Nhà nước quy hoạch trồng rừng sản xuất, song bị tàn phá mà chính quyền thị trấn Đồng Đăng và xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn không can thiệp nổi. Ảnh: Văn Việt.

Phân lô bán nền thu tiền tỷ

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của ông Hoàng Mạnh Thắng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn về việc bị lừa mua đất trồng rừng với giá 2,4 tỷ đồng. Theo đơn, khoảng giữa tháng 6/2021, ông Thắng được ông Trần Văn Phú chào mời mua đất của ông Vi Văn Tấn, được UBND huyện Cao Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/9/2018, thửa 308, bản đồ 17, diện tích 2.860,2m2, đất rừng sản xuất.

Ông Phú nói do  ông Tấn không có tiền trả công san gạt đất đồi trồng rừng nên gán mảnh đất này cho  ông Phú và Hoàng Văn Hoàn, ngụ xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc là người thực hiện san gạt. Tấn, Phú, Hoàn đã ngang nhiên phân lô trên đất trồng rừng, thuyết phục ông Thắng về việc “đất đã vào quy hoạch làm đất ở”, “lãnh đạo của huyện Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng đều đã mua vài lô”.

Tin lời, ông Thắng đã chuyển khoản 2,4 tỷ đồng để mua 12 lô đất, diện tích nhỏ nhất là 99,7m2, lớn nhất là 140,8m2. Hai bên đã hoàn thành giao dịch ngày 20/7/2021. Phía ông Phú, Hoàn, Tấn đã nhận đủ tiền vào tài khoản của ông Hoàn. Còn ông Thắng cầm hợp đồng giao dịch và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều lần giục bên bán hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không được, vào tháng 9/2021, ông Thắng lên Văn phòng quản lý đất đai huyện rút hồ sơ, được trả lời đất không sang tên đổi chủ được vì hiện trạng thửa 308, bản đồ 17 không đúng mục đích sử dụng đất, cho đến nay vẫn chưa sang tên đổi chủ được.

Nhóm PV báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến hiện trường, ghi nhận việc phân lô bán nền đúng như đơn của ông Thắng. Quả đồi cao hàng chục mét đã bị cào bằng, chia thành nhiều lô, xây tường gạch thấp bao quanh. Một số hộ dân đã xây nhà kiên cố để ở, ngay trên đất vốn là để trồng rừng sản xuất.

Nhiều hộ dân khác, bỗng lâm vào cảnh nguy hiểm, sống cheo leo trên đồi cao khoảng 20m. Phần đồi bị san gạt cào sát vào móng nhà.

Chính quyền bất lực

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Minh Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng, thừa nhận có sự việc san gạt đồi trồng rừng, phân lô bán nền. Bà Thảo cho biết chính quyền thị trấn đã hai lần xử phạt, song ông Tấn “không chấp hành, tiếp tục san gạt vào đêm khuya, ngày nghỉ”. Thị trấn đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là vì sao các ông Tấn, Phú, Hoàn vẫn có thể san gạt hàng nghìn m2 đất trồng rừng trong nhiều năm, mà vẫn không bị xử lý hay bị áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Bà Lục Kim Hòa, cán bộ địa chính thị trấn Đồng Đăng, thừa nhận hiện tại “không còn m2 nào là đất trồng rừng” tại thửa đất do ông Tấn đứng tên. Bà Hòa cho biết quả đồi ban đầu để trồng rừng có diện tích gần 1ha, trong đó phần đất do thuộc địa giới hành chính của UBND thị trấn Đồng Đăng là 2.860,2m2, còn lại khoảng 6.000m2 thuộc địa giới xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc.

Mặt khác, dù đã nhận chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng, song nhiều ngày trôi qua, bà Hòa vẫn không cung cấp biên bản xử phạt về vi phạm của ông Tấn.

Đối với thông tin “lãnh đạo thị trấn có vài lô” trên mảnh đất trồng rừng của ông Tấn, bà Thảo phủ nhận. “Tôi không có lô đất nào ở đó. Đây là thông tin bịa đặt. Chúng tôi sẽ mời ông Tấn lên làm việc để chấn chỉnh chuyện này”, bà Thảo nói. Tuy nhiên, cả lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Đăng, và cán bộ địa chính, đều không thể lý giải vì sao đất trồng rừng bị ngang nhiên tàn phá.

Liên quan đến sự việc xẻ thịt đất rừng, chỉ cách UBND thị trấn Đồng Đăng chừng 2km, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Hồng Phong, song không được hồi âm. Về việc “lãnh đạo huyện có vài lô đất”, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, lên tiếng phủ nhận. Ông Cường cho biết: “Từ năm 2014, đã có hiện tượng san gạt ở quả đồi được Nhà nước giao cho ông Tấn sử dụng làm đất trồng rừng. Năm 2018 và 2019, việc san gạt diễn ra nhiều hơn”.

Ông Cường cho biết mới về nhận nhiệm vụ từ năm 2019, nên chưa thể lý giải được vì sao chính quyền bất lực trước việc khoảng 8.000m2 đất trồng rừng bị phân lô, bán nền.

Phải chăng, do ở vị trí đắc địa, một mặt gần đường tránh thị trấn Đồng Đăng, một mặt gần đường lên cửa khẩu Cốc Nam, ở giữa khu dân cư, nên mảnh đất trồng rừng này đang đợi “hợp pháp hóa” sai phạm để thành đất ở?

Theo tài liệu PV thu thập được, dù sự việc diễn ra trong thời gian dài, song UBND thị trấn Cao Lộc chỉ mới xử phạt hai lần với ông Vi Văn Tấn. Lần một là khoảng 3 triệu đồng, lần hai là 5 triệu đồng, với hành vi san gạt 180,5m2 đất trồng rừng. Biên bản ghi rõ: Buộc ông Vi Văn Tấn khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp ông Tấn không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai. Biên bản lập ngày 02/4/2021. Đến nay, đã một năm rưỡi trôi qua, song ông Tấn vẫn bình an vô sự. Đất trồng rừng đã biến thành hàng chục lô đợi người đến mua.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.