Quảng Bình huy động 12.300 người ứng phó với mưa lũ. Tiến độ xây dựng Trung tâm Giống cây lâm nghiệp công nghệ cao còn chậm trễ. Tây Ninh: Nỗ lực giải quyết vấn nạn trộm mãng cầu. Cả nước có 14.000 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
QUẢNG BÌNH SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI MƯA LŨ
Thực hiện: Tâm Phùng - Tâm Đức
Do ảnh hưởng của bão số 6, hôm nay, 27/10, Quảng Bình có mưa lớn trên diện rộng, mực nước các con sông Gianh, Nhật Lệ, Kiến Giang…đang lên, dự báo sẽ có lũ tại các địa phương như Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại những vùng xung yếu. Lực lượng Bộ đội biên phòng kiểm đếm và đối chiếu thực tế số liệu giám sát hành trình tàu cá. Trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 6.174 phương tiện với 18.691 lao động, tàu vận tải đã vào tránh trú tại các âu thuyền, khu neo đậu. Hiện, tỉnh đã huy động 100% lực lượng xung kích phòng chống thiên tai với gần 12.300 người sẵn sàng về các điểm xung yếu, chủ động sơ tán, di dời người dân nơi có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn mưa lũ.
CHẬM TRỄ TRONG TRIỂN KHAI DỰ ÁN TRUNG TÂM GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Thực hiện: Lê Khánh
Trung tâm Giống cây lâm nghiệp công nghệ cao – DKC là “hạt nhân” của Đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Bắc Trung Bộ. Trung tâm này do Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, địa chỉ đóng tại thành phố Vinh, Nghệ An làm chủ đầu tư.Tỉnh Nghệ An và toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ vọng khi hoàn thành dự án sẽ tháo gỡ được nút thắt về giống cây lâm nghiệp, vốn là vấn đề nan giải bấy lây nay. Tuy nhiên tiến độ thực hiện Trung tâm giống cây lâm nghiệp công nghệ cao hiện nay rất chậm, nguyên nhân xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh đó là khó khăn về tài chính của Tập đoàn Thiên Minh Đức. Được biết tổng diện tích quy hoạch trung tâm giống hơn 48 ha, hiện còn 8,8 ha còn vướng mắc. Theo kế hoạch, dự án gồm nhiều hạng mục như phân khu nuôi cấy mô tế bào, phòng thí nghiệm giống, vườn ươm công nghệ cao, vườn giống lâm sản, khu đầu dòng và lưu trữ các nguồn gien… Dù vậy trên thực tế mọi thứ đang ngổn ngang, dang dở, công tác triển khai đến nay cơ bản chỉ như muối bỏ bể.
CẢ NƯỚC CÓ TRÊN 14.000 SẢN PHẨM OCOP 3 SAO TRỞ LÊN
Thực hiện: Quỳnh Anh khai thác
Theo báo cáo vừa được Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Bộ NN-PTNT công bố: Hiện cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Đến nay, có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho thành viên.
TÂY NINH: NỖ LỰC GIẢI QUYẾT VẤN NẠN TRỘM MÃNG CẦU
Thực hiện: Quỳnh Anh (khai thác)
Theo thông tin từ nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, từ năm 2020 đến nay việc trộm mãng cầu khi gần đến ngày thu hoạch càng tăng cao, mất kiểm soát. Qua thống kê, tỷ lệ vườn bị trộm khi đến ngày thu hoạch là trên 30%. Ngoài trộm mãng cầu, bà con nông dân còn bị mất trộm các tài sản, vật tư khác tại vườn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám Đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đề nghị công an địa phương cần quan tâm giải quyết gốc rễ bởi vấn nạn “trộm” không chỉ gây thất thoát tài sản bà con mà còn liên quan đến an ninh trật tự và quá trình xây dựng NTM tại các địa phương. Đặc biệt, nếu các thương lái từ chối thu mua mãng cầu không rõ nguồn gốc, chắc rằng tình trạng mất cắp mãng cầu sẽ giảm, bởi mãng cầu bị trộm cắp sẽ không có nơi tiêu thụ. Sở NN-PTNT sẽ phối hợp các lực lượng chức năng xử lý nghiêm nhằm giải quyết vấn nạn này.