Với nguồn kinh phí khoảng 4.500 tỷ, khi hoàn thành dự án Quảng Ninh sẽ cơ bản đảm bảo về an ninh nguồn nước để phục vụ dân sinh, kinh tế và phòng chống thiên tai đủ ứng phó với siêu bão xảy ra trong các năm tới.
Quảng Ninh nâng cấp hệ thống đê xung yếu, ứng phó với bão lớn bất thường
Những năm gần đây, tính trái quy luật của diễn biến thiên tai ngày càng rõ nét, cùng với đặc thù địa hình phức tạp đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn Quảng Ninh.
Để chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 180 công trình đập, hồ chứa nước, với tổng dung tích thiết kế trên 359 triệu m3; trong đó, các hồ chứa có dung tích lớn trên 10 triệu m3 đều đảm bảo chỉ số an toàn cao. Trong năm 2022, thời tiết tiếp tục có những diễn biến khó lường, có nhiều cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, gây mưa lớn cục bộ. Vì vậy, các đơn vị được giao quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã theo sát diễn biến của thời tiết; tổ chức trực 24/24 và chủ động các phương án phòng chống theo nguyên tắc “3 trước”, “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn cho các công trình, góp phần đảm bảo an toàn tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.
PV ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập:
Về phía công ty, trước mùa mưa bão năm 2022, để chủ động trong việc phòng chống thiên tai, chúng tôi xây dựng phương án là cắt cử các đồng chí lãnh đạo ở các vị trí để trực và chỉ đạo. Về phương án vật tư thì công ty đã chuẩn bị các loại vật tư để chủ động trong việc phòng chống thiên tai năm 2022. Tất cả hệ thống đóng mở với các hồ đập, hồ có cửa van, hồ lớn, công ty đã bảo dưỡng tất cả các thiết bị để vận hành khi có lũ về. Đối với các hồ nhỏ, công ty đã nạo vét tất cả hệ thống luồng tiêu phía trước và sau hạ lưu để thoát lũ để đảm bảo khi có mưa lũ lớn, làm sao để thoát được lũ, đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều được UBND tỉnh Quảng Ninh giao quản lý, khai thác 18 hồ đập, với tổng dung tích trữ nước là 35,8 triệu m3.
Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước trước những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường của thiên tai, Công ty TNHH MTV thủy lợi Đông Triều đã rà soát toàn bộ các hệ thống công trình trước mùa mưa bão năm 2022.
Pv Ông Vũ Minh Thành, GĐ Công ty thủy lợi Đông Triều:
Công ty chúng tôi lập kế hoạch phòng chống lụt bão của năm 2022, trong đó, nêu rõ nhiệm vụ của từng thành viên trong ban lãnh đạo cũng như các thành viên, thành lập ban chỉ huy, đội xung kích phòng chống lụt bão của công ty để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong mùa mưa bão. Có thể nói đến giờ phút này, toàn bộ các hệ thống công trình thủy lợi do công ty chúng tôi quản lý đã đảm bảo an toàn, đủ công năng, sức chịu đựng để phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2022.
Là địa phương ven biển sở hữu hơn 2000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, có hai huyện hoàn toàn là đảo là huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Đảo tiền tiêu Cô Tô nằm ở vị trí đầu sóng ngọn gió, là nơi hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bão, chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động trong công tác phòng chống thiên tai luôn được ưu tiên hàng đầu.
PV Thiếu tá Ngô Quang Đại, Trạm trưởng Trạm Nam Hải, Đồn biên phòng Cô Tô:
Đơn vị luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ngư dân nhanh chóng, khẩn trương vào khu vực tránh trú bão của địa phương. Đơn vị đã chủ động cùng với bà con chằng buộc các phương tiện để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tránh những thiệt hại lớn xảy ra.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn sẵn sàng ứng phó trước mưa bão, đặc biệt là các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên biển.
PV ông Phạm Văn Long (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh):
Hiện tôi có gần 200 ô bè, về mùa hề tôi phải gia cố trước lồng bè, đến khi có bão thì mình phải gia cố thêm về dây leo, lồng bè buộc vào cho chắc. khi bão đến thì mình yên tâm, không phải ở bè nhiều, chỉ cần 1-2 người thôi.
Trước thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo, không theo quy luật tự nhiên, tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại về người, tài sản, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh thường xuyên được kiện toàn, luôn duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
PV ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ninh:
Quán triệt tinh thần “phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình", BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN.
Duy trì nghiêm các chế độ trực; thực hiện phương châm “4 tại chỗ" sẵn sàng lực lượng, phương tiện; chuẩn bị chu đáo vật chất; cơ động nhanh; kịp thời tham gia TKCN khi có tình huống; báo cáo kịp thời và tham mưu cho cấp trên để chỉ đạo. Chuẩn bị chu đáo lương thực, nước uống tại đơn vị phục vụ nhân dân vào tránh trú.
Nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nguồn vốn không nhỏ trong công tác phòng chống thiên tai. Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
PV ông Nguyễn Hoàng Phương, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Quảng Ninh:
Với nguồn kinh phí khoảng 4.500 tỉ, khi hoàn thành dự án này, có thể khẳng định Quảng Ninh sẽ cơ bản đảm bảo về an ninh nguồn nước để phục vụ dân sinh, kinh tế nói chung và công tác phòng chống thiên tai nói riêng. Tiếp tục nâng cấp hệ thống đê xung yếu trên địa bàn tỉnh để đảm bảo về phòng chống thiên tai, ứng phó với bão lũ, đặc biệt trong các tình huống siêu bão xảy ra trong các năm tới.
Hiện nay, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quảng Ninh nói riêng và trên cả nước nói chung. Việc đảm bảo an toàn, an ninh trước những biến đổi bất thường về thời tiết sẽ giúp người dân an tâm, tập trung vào lao động, sản xuất, từ đó phát triển kinh tế xã hội ngày một bền vững trong tương lai.
Lời kết:
Thực tế cho thấy, sự biến đổi thời tiết toàn cầu hiện nay đã diễn ra nhanh và ngày một cực đoan hơn so với dự báo. Đây là một trong những thách thức lớn của toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, để giảm nhẹ rủi ro và xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Đặc biệt, phải xác định phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chứ không phải việc của riêng ai.