Với quy trình bao lưới toàn bộ vườn, nông dân sản xuất táo vừa ngăn chặn được ruồi vàng, sâu đục quả vừa tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng.
Sản xuất táo đảm bảo năng suất, an toàn chất lượng
Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện để phát triển cây táo. Tuy nhiên, thời gian qua bà con nông dân bị ảnh hưởng do táo bị ruồi vàng, sâu đục quả gây hư hại. Trước thực trạng trên, Viện Nha Hố đã nghiên cứu, đưa quy trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất và đạt hiệu quả cao. Theo đó, để ngăn chặn ruồi, sâu đục quả, Viện Nha Hố đã thực hiện mô hình bao lưới toàn bộ vườn táo, kết hợp phương pháp bẫy, bả côn trùng.
Theo đó, các vườn táo sẽ được lắp đặt hệ thống cột trụ cao khoảng 4m và dùng dây cước 4-5mm để căng, tạo thành hệ thống khung ổn định và bao lưới toàn bộ.
Tiến sĩ MAI VĂN HÀO, Viện trưởng Viện Nha Hố
Sau quá trình triển khai thử nghiệm mô hình ở quy mô đồng ruộng thì chúng tôi thấy rằng hầu như không phải dùng thuốc trừ cỏ để xử lý đất và không phải sử dụng các loại thuốc như trước đây để trừ ruồi đục quả trên cây táo. Hầu như 100% táo không bị đục quả, cũng như các loại sâu đục quả. Điều đó chứng tỏ các giải pháp kỹ thuật đảm bảo cho sản xuất táo an toàn và trong tương lai tiến tới sản xuất táo hữu cơ, chất lượng cao.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vậttỉnh Ninh Thuận, hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.000ha táo và đây là một trong những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.
Với mô hình bao lưới ngăn chặn ruồi vàng đục trái, đây là mô hình mang lại hiệu quả rất cao và được người dân quan tâm mở rộng. Theo đó, vào năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm mô hình bao lưới ngăn chặn ruồi đục quả ở 2 huyện là Ninh Phước và Ninh Sơn với tổng diện tích 2,35ha. Đến tháng 8/2022, mô hình này phát huy hiệu quả nên được người dân quan tâm, mở rộng và tổng diện tích lên đến 642ha, đạt tỉ lệ trên 66% diện tích trồng táo toàn tỉnh.
Ông PHẠM DŨNG, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Ninh Thuận
Mô hình này đã giúp cho bà con trồng táo quản lý được các đối tượng sinh vật gây hại. Đặc biệt là 2 đối tượng trước đây thường xuyên xuất hiện và gây hại với tỉ lệ cao trên các vườn trồng táo đó là ruồi đục trái và sâu đục trái táo. Như trước đây, bà con trồng táo thì 1 sào 1 năm bà con thu được trên 4 tấn và tỉ lệ táo bị hư hại lên đến 60-70%, bà con thu nhập thấp. Còn hiện nay, 1 sào bà con thu từ 4-5 tấn nhưng tỉ lệ hư hại không quá 5% nên thu nhập cao, bình quân 1 sào trồng táo bà con thu về 50 triệu đồng/năm, trừ hết các chi phí còn lợi nhuận 35 triệu đồng/sào/năm.
Với quy trình bao lưới toàn bộ vườn, tỷ lệ táo bị hại trên mô hình giảm xuống dưới 5%; đồng thời cách làm này giúp giảm từ 60 - 70% số lần phun thuốc BVTV. Chất lượng sản phẩm vì thế được đánh giá là an toàn.
Từ những kết quả trên, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận định hướng tổ chức các lớp tập huấn, khuyến khích người dân thực hiện quy trình bao lưới toàn bộ vườn táo. Ngành nông nghiệp tỉnh này phấn đấu 100% diện tích táo được bao lưới trong thời gian tới.