Siết hoạt động kinh doanh trái phép thuốc thú y thủy sản trên mạng xã hội. Mỗi năm Gà đồi Yên Thế mang về doanh thu 1.500 tỷ đồng. Rơm cao kỷ lục 50.000 đồng/cuộn. Giá cá mùa nước nổi tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg.
SIẾT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TRÁI PHÉP THUỐC THÚ Y THỦY SẢN TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Trước bối cảnh buôn bánthuốc thú y thủy sản qua trực tuyến, qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, chưa được quản lý đồng bộ, không bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí, người bán không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề thú y, Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất; tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy và xử lý các hành vi vi phạm.Các tỉnh, thành phố kiểm tra,thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán bất hợp pháp thuốc thú y trên mạng xã hội, qua hình thức trực tuyến; các trường hợp vi phạm quy định về tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường thủy sản tại các vùng nuôi, cơ sở nuôi.
MỖI NĂM GÀ ĐỒI YÊN THẾ MANG VỀ DOANH THU 1.500 TỶ ĐỒNG
Ngày 9/11, UBND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm nông, lâm nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chủ lực của huyện năm 2022. Bên cạnh đó, công bố vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-Cát-Xơn đối với gà đồi của huyện.Gà đồi Yên Thế là một sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang, đã hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi quy mô lớn, với tổng đàn duy trì ổn định trên 4 triệu con, doanh thu mỗi năm khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước: Trung Quốc, Lào và Singapore. Nhân hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi, nhiều doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh tham gia ký kết 3 biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Đồng thời tổ chức Lễ Cắt băng đưa sản phẩm gà đồi, dê Yên Thế và các sản phẩm chủ lực của huyện tiêu thụ tại chuỗi hệ thống siêu thị Tập đoàn Central Retail và Co.opmart.
RƠM CAO KỶ LỤC 50.000 ĐỒNG/CUỘN
Tại Bến Tre, Rơm cho bò ăn đang rất khan hiếm, nhiều chủ trang trại phải mua từ nhiều địa phương khác trong vùng ĐBSCL rồi vận chuyển đến với giá 40.000-52.000 đồng một cuộn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Rơm từ chợ sẽ được xe công nông, ba gác phân phối đến người nuôi bò (mỗi xe chở từ 50 đến 100 cuộn). Bến Tre là một trong những địa phương có đàn bò thuộc loại lớn của miền Tây, trên 200.000 con.Theo các chủ hộ chăn nuôi ở Bến Tre, thời điểm này mưa nhiều, nông dân vì thế không thể thu hoạch rơm, trong khi cỏ nuôi bò kém phát triển, giá thức ăn lại tăng, đã đẩy giá rơm nhập về từ các tỉnh khác tăng cao kỷ lục.
GIÁ CÁ MÙA NƯỚC NỔI TĂNG 4.000 - 5.000 ĐỒNG/KG
Tước bối cảnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, nhiều nông dân Hậu Giang thay vì sạ lúa thu đông, đã chuyển sang hình thức nuôi cá trên ruộng khi mùa nước nổi về. Sau 4 tháng thả nuôi cá ruộng trên 2ha đất ruộng, gia đình ông Vương Văn Ngân ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A đã thu hoạch 9-10 tấn cá chép, cá mè, cá lóc, cá rô, cá sặc, lòng tong, ốc… Với giá bán các loại cá theo mùa nước nổi tăng từ 4.000 – 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, gia đình ông Ngân đã có thu nhập khá so với nhiều loại hình canh tác khác. Theo thống kê của UBND xã Trường Long A, toàn xã có khoảng 20 hộ nuôi thả nuôi cá ruộng, trung bình 1 công đất ruộng bà con thả nuôi 5kg cá giống, lợi nhuận thu về gần 2 triệu đồng/công.