De Heus khánh thành nhà máy thức ăn bổ sung 60.000 tấn/năm. Phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm. Xuất khẩu mực, bạch tuộc 2022 dự kiến tăng 22%. Giá mít giảm còn 11.000 - 17.000 đồng/kg.
DE HEUS KHÁNH THÀNH NHÀ MÁY THỨC ĂN BỔ SUNG 60.000 TẤN/NĂM
Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy thức ăn bổ sung - Premix của Tập đoàn De Heus tại khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh Đồng Nai sáng 9/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ:Hiện nay, tổng nhu cầu thức ăn bổ sung của ngành chăn nuôi Việt Na khoảng 800.000 tấn/năm. Trong khi sản xuất nội địa mới đáp ứng 15% nhu cầu. Nhà máy Premix Đồng Nai với công suất thiết kế 60.000 tấn/năm khi đi vào hoạt động hứa hẹn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi nước nhà bằng sản phẩm thức ăn bổ sung chất lượng cao cùng giá thành hợp lý. Ông Garbor Fluit – Tổng giám đốc De Heus khu vực Châu Á cho biết: thức ăn bổ sung giống như một cái ốc trong một cỗ máy, dù nhỏ nhưng chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi chăn nuôi. Sau khi mua lại mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của De Heus tại Việt Nam tăng lên gấp đôi. Cùng với đó, sự mở rộng đầu tư tại Ấn Độ và Campuchia... nên nhu cầu sử dụng thức ăn bổ sung rất lớn. Đây cũng là lý do chính để De Heus quyết tâm mở rộng đầu tư để đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn bổ sung tại Châu Á.
PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tiếp tục hướng dẫn các cơ sở hộ nuôi trồng thủy sản, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng diện tích thả nuôi thủy sản của thành phố đạt gần 9100 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 183.00 tấn, tăng 43% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Cần Thơ còn phát triển 296 ha vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.Hiện địa phương hiện có 122 cơ sở sản xuất và ươm dưỡng giống thủy sản đáp ứng một phần nhu cầu giống thủy sản của thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
XUẤT KHẨU MỰC, BẠCH TUỘC 2022 DỰ KIẾN TĂNG 22%
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc của cả nước trong quý 3 đạt gần 214 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu, mực chiếm 56,4%, còn lại bạch tuộc chiếm 43,6%.Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, nhu cầu vẫn nghiêng về các sản phẩm mực, bạch tuộc có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: mực khô, bạch tuộc khô, bạch tuộc đông lạnh…VASEP dự báo, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2022 có thể đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.
GIÁ MÍT GIẢM CÒN 11.000 - 17.000 ĐỒNG/KG
So với cách nay khoảng 1 tháng, hiện giá trái mít Thái tại ĐBSCL đã giảm gần khoảng 50%, xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Giá mít loại lớn, nặng từ 8,5-9 kg/trái trở lên được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua xuất khẩu ở mức 17.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu tháng 10 có giá đến 28.000-29.000 đồng/kg. Giá mít Thái loại 7-8 kg/trái hiện ở mức 11.000 đồng/kg, Còn mít loại từ 5kg đến dưới 7kg/trái hiện có giá khoảng 5.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, giá trái mít Thái giảm do gần đây đầu ra xuất khẩu có phần chậm so với trước và nguồn cung tăng khi nhiều địa phương có mít tới lứa xuất bán.