Sơn La có trên 3.000ha cây ăn quả được bọc trái. Có thể xuất hiện 2 cơn bão trên biển Đông vào tuần tới. Xuất khẩu cá trích tăng mạnh ở nhiều thị trường lớn. 390 triệu USD phát triển chuỗi giá trị carbon thấp.
SƠN LA CÓ TRÊN 3.000HA CÂY ĂN QUẢ ĐƯỢC BỌC TRÁI
Trước nhu cầu của thị trường trái cây trong nước và xuất khẩu, tỉnh Sơn La đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, thương hiệu cây ăn quả, ứng dụng kỹ thuật vào gieo trồng và chăm sóc. Tiêu biểu là phương pháp bao quả để đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm xuất khẩu. Theo thống kê, niên vụ 2020 – 2021, toàn tỉnh có trên 40 triệu túi bao quả với diện tích trên 3.000ha bưởi, xoài, na, ổi…. Hưởng ứng Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ xuất khẩu năm 2022, nông dân Sơn La phấn đấu bao trái cho khoảng 15 triệu quả. Sơn La hiện có hơn 80.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Thị trường tiêu thụ, xuất khẩu từng bước được mở rộng, với 17 sản phẩm được xuất khẩu tới 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
CÓ THỂ XUẤT HIỆN 2 CƠN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀO TUẦN TỚI
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 6/4, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và phía Đông Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị. Ngoài ra, Ban chỉ đạo quốc gia cũng dẫn thông tin từ các cơ quan dự báo quốc tế cho biết khoảng từ ngày 7 đến ngày 8/4, có khả năng xuất hiện một cơn ATNĐ trên vùng biển phía Nam Biển Đông và hai cơn bão ở phía Đông Philippines có khả năng đi vào Biển Đông. Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố tập trung khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực miền Trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
XUẤT KHẨU CÁ TRÍCH TĂNG MẠNH Ở NHIỀU THỊ TRƯỜNG LỚN
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá trích đạt 10 triệu USD tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 2 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ 2021. Nhiều thị trường khác cũng có mức tăng trưởng ấn tương như: sang Mỹ tăng 30%, sang Hàn Quốc tăng 67%, sang Australia tăng 86%... Trong khi nguyên liệu nhiều loài hải sản khan hiếm thì cá trích, cá cơm vẫn là những sản phẩm Việt Nam có sẵn nguồn cung đánh bắt trong nước. Nhất là những tháng đầu năm nay, ngư dân các tỉnh miền Trung đang bội thu cá trích, tạo ra nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đi các thị trường.
390 TRIỆU USD PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP CARBON THẤP
Dự án 'Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp' dự kiến sẽ triển khai trong 6 năm từ 2023-2029, với tổng kinh phí dự kiến 390 triệu USD. Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế là 300 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 60 triệu USD, và vốn viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD… Trong Dự án này, Ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đề xuất: Xây dựng cổng thông tin số quốc gia về đăng ký nông dân bằng ID trang trại; Xây dựng các trạm quan trắc và trung tâm giám sát nông nghiệp quốc gia, khu vực để thu thập, giám sát dữ liệu về khí hậu, nước và đất; Xây dựng quỹ carbon và cơ chế chia sẻ lợi ích từ tín dụng các bon cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tham gia. Ở cấp địa phương, các hạng mục chủ yếu nằm ở sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và dịch vụ đổi mới giống và làm đầu mối kỹ thuật cho người dân; Phát triển các nền tảng kỹ thuật số để đăng ký nông dân bằng ID trang trại.