Lâm Hải - vùng đất ngập mặn ven biển Cà Mau được người dân thả nuôi tôm sinh thái, vừa đảm bảo đa dạng sinh học vừa giúp duy trì và tăng cường độ che phủ rừng, đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ.
Sức sống từ nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn
Vùng vành đai ven biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Vấn đề ô nhiễm môi trường sản xuất, cùng hiện tượng xói lở bờ biển phía Tây của tỉnh Cà Mau đã đặt ra bài toán khó cho các nhà khoa học và nhà quản lý: Làm thế nào để vừa bảo vệ được hệ sinh thái rừng ngập mặn, vừa hỗ trợ sinh kế và phát triển cho người dân địa phương.
Cái tên Lâm Hải gợi lên phong cảnh đẹp đẽ về nguồn tài nguyên phong phú của vùng đất này. “Lâm” nghĩa là rừng, “Hải” nghĩa là biển. Khu vực cận biển ởCà Mau nổi bật với sự giao thoa của những cánh rừng tươi tốt với biển cả mênh mông, tạo nên môi trường màu mỡ.
Diện tích rừng ngập mặn rộng lớn, nơi biển và sông giao thoa, tạo nên vùng nước lợ giàu dinh dưỡng, đầy ắp các loài thủy sinh, đặc biệt là cua và tôm. Nơi đây thuộc khu vực sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng sản lượng của cả nước. Từ nhiều nhiều năm nay, nuôi thủy sản nước lợ là sinh kế chính, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của rừng ngập mặn.
Tuy nhiên, khi nghề nuôi tôm phát triển, chất lượng nước ngày càng thiếu ổn định và quần thể tôm tự nhiên giảm dần.
Ông LÊ ĐÌNH HUYNH, Tổng thư ký Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA)
“Càng biến đổi khí hậu thì hệ sinh thái rừng ngập mặn lại càng dễ bị tổn thương, đặc biệt là cơ hội học tập của trẻ em gái và quyền năng phụ nữ lại dễ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có hợp phần tăng cường sinh kế và nâng cao quyền năng cho phụ nữ địa phương, Cách tiếp cận của dự án do Chính phủ Úc tài trợ trong 2 năm tới là các cánh rừng được bảo vệ bền vững từ sự tự giác của chính người dân, pháp luật của nhà nước. Người dân đủ sinh kế sẽ quay lại khôi phục và gìn giữ những cánh rừng sẽ đem lại lợi ích cho họ”.
Hiện nay, Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam là đối tác của Chính phủ Úc trong dự án “Mở rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL”. Dự án nhằm hỗ trợ bà con áp dụng phương pháp tôm rừng ngập mặn tổng hợp (gọi tắt là IMS) là phương pháp nuôi trồng thủy sản trong vùng nước lợ theo hệ thống nuôi quảng canh.
Theo đó, tôm và các con cua, ốc, ngao… được nuôi tôm sinh thái với độ che phủ rừng ngập mặn cao. Đây là phương pháp canh tác thân thiện với đa dạng sinh học, giúp duy trì và tăng cường độ che phủ rừng, đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ.
Theo quản lý dự án, hai yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn là chất lượng nước và con giống. Trong khi chất lượng nước thuộc về yếu tố tự nhiên và không thể kiểm soát, con giống là yếu tố quan trọng nhất.
Bà BÙI NGỌC TỐ NGA, Quản lý Vùng dự án tôm sinh thái, Phó phòng quản lý chất lượng, Tổng công ty Tôm Miền Nam
“Tất cả những người tham gia chứng nhận nuôi tôm sinh thái của công ty đều được hỗ trợ nguồn giống đầu vào, đảm bảo tiêu chí bền vững môi trường, sạch bệnh, khỏe mạnh và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trước khi thả giống cho bà con. Mô hình nuôi tôm hiện tại của công ty chỉ chứng nhận những loài bản địa nhằm phát triển và duy trì nòi giống của các loài này. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, chỉ có các loài bản địa với khả năng sinh tồn tốt nhất tại khu vực mới được chọn. Có ba loài tôm được chứng nhận là tôm chì, tôm thẻ (theo con nước đi vào) và tôm sú (thả giống)”.
Lá cây ngập mặn phân hủy là nguồn thức ăn chính cho thủy sản nước lợ. Mối quan hệ cộng sinh này đã tồn tại qua nhiều thế hệ, cây ngập mặn hỗ trợ nuôi tôm và ngược lại, nuôi tôm làm giàu thêm rừng, tạo nên hàng rào xanh vững chắc chắn sóng cho các khu dân cư lân cận.
Ông PHẠM THẾ KIỆP, ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau
“Trong việc chăm sóc rừng, tôi thường chỉ cần dọn dẹp lá cây rơi và tỉa những cành cây cản trở. Tuy nhiên, tôi cũng để lại những cây cối có ích để bảo vệ môi trường sống của tôm. Mặc dù có thể dọn dẹp những cây cối để tạo điều kiện cho tôm sinh sống tốt hơn, nhưng tôi vẫn giữ lại cây rừng để bảo vệ môi trường tự nhiên”.
Trước khi tham gia dự án, kỹ thuật nuôi tôm của bà con không có nhiều thay đổi. Dự án đã can thiệp chủ yếu vào việc nâng cao kỹ thuật và thay đổi nhận thức của họ về phát triển bền vững, nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của công ty và bán được trên thị trường. Ví dụ, trước đây, nông dân mua tôm giống trôi nổi, nhưng giờ đã tìm được nguồn cung cấp giống tốt hơn thông qua các công ty, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Đến nay, dự án đã khởi động đã tiếp cận khoảng 400 hộ dân. Người dân nhận ra rằng, để nuôi tôm bền vững, cần phải bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn và áp dụng các dịch vụ đầu vào mới.
Rừng ngập mặn ở Cà Mau đã và đang bị suy thoái và tàn phá nhiều do chuyển đổi sang nuôi trồng và làm sinh kế.
Do đó, nhiều sáng kiến trong nước và quốc tế đang nỗ lực phục hồi, quản lý bền vững rừng ngập mặn. Để bảo vệ rừng, không chỉ cần đến pháp luật mà còn phải có sự tự giác của mỗi người dân. Đảm bảo sinh kế cho người dân sẽ thúc đẩy sự tự giác của họ, giảm áp lực lên rừng ngập mặn.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái phong phú nhất. Nếu nhà nước có chính sách nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng ngập mặn, không chỉ trong nuôi tôm và khai thác cây rừng, mà còn giúp người dân có nhiều cơ hội sinh kế và đảm bảo cuộc sống, chắc chắn họ sẽ quay lại để bảo vệ rừng giống như bảo vệ nguồn sống của chính mình.