Tự chủ tôm giống giúp kiểm soát bệnh trên tôm
Ngành công nghiệp tôm là lĩnh vực vô cùng rủi ro và khó khăn. Thách thức đặt ra không chỉ đến từ yếu tố tự nhiên như khí hậu và môi trường, mà còn từ những nguy cơ về sức khỏe của tôm, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, cùng những vấn đề liên quan đến quản lý sản xuất và tiêu thụ.
Để giải quyết những thách thức này, Tập đoàn Việt Úc đã tiên phong trong định hướng khép kín chuỗi giá trị ngành tôm. Với chiến lược chặt chẽ, cam kết với bền vững và sự sáng tạo trong ứng phó với biến đổi của môi trường kinh doanh, đây là điểm sáng của ngành công nghiệp tôm Việt Nam.
Đến nay, Việt Úc là tập đoàn duy nhất thực hiện chương trình di truyền và lựa chọn giống tôm bố mẹ tại Việt Nam, thông qua hợp tác độc quyền với Viện CSIRO (Cơ quan khoa học - công nghệ của Chính phủ Australia).
Theo Phó Tổng giám đốc Tôm thương phẩm Trình Trung Phi, tập đoàn hiện cung cấp khoảng 30% lượng tôm giống trên toàn quốc. Tại các khu vực sản xuất tôm giống, Việt Úc cung cấp nguồn tôm bố mẹ được kiểm soát mọi mầm bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và tuân thủ quy định của Bộ NN-PTNT.
Tập đoàn Việt Úc tự hào là doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về giống tôm, nên chi phí đầu vào thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Việc đầu tư vào công nghệ mới để sản xuất con giống tôm khỏe mạnh là ưu tiên hàng đầu, phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường tại Việt Nam.
Ông Trình Trung Phi nhấn mạnh: “Chất lượng con giống quyết định 50% hiệu quả của quá trình nuôi tôm. Khi có được con giống chất lượng, doanh nghiệp mới đầu tư vào công nghệ nuôi tôm”.
Định hướng khép kín chuỗi giá trị ngành tôm
Để sớm khép kín chuỗi giá trị, tập đoàn đã hoàn thiện nhà máy chế biến thủy sản và đưa vào hoạt động chính thức vào năm 2023. Với quy mô 10ha, đây là nhà máy thủy sản đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tự động hóa trên 70%.
Bên cạnh đó, nhờ nguyên liệu chất lượng và công nghệ tiên tiến, hệ thống chế biến thủy sản của tập đoàn đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ những thị trường nhập khẩu khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và châu Âu.
Theo Phó Tổng giám đốc, Việt Úc từng gặp khó khăn vì mong muốn nâng cao chất lượng tôm Việt mà tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong toàn bộ ngành. Sau nhiều năm nghiên cứu đã bắt đầu có kết quả nuôi tôm ổn định.
Đối với ngành tôm thẻ, công ty mới đưa vào từ năm 2018, trước đó tôm sú là loài chủ lực. Trên 10% diện tích nuôi tôm hiện là tôm thẻ, nhưng vẫn giữ diện tích lớn cho tôm sú với mục tiêu bảo vệ môi trường, quản lý có hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cam kết cải thiện môi trường nước và loại bỏ hoàn toàn chất thải độc hại trong quá trình sản xuất. Theo đó, tập trung vào đào tạo và nâng cao năng lực về an toàn sinh học thông qua tổ chức các khóa học định kỳ. Các chuyên viên kỹ thuật hàng ngày sẽ kiểm tra sức khỏe và cung cấp chế độ dinh dưỡng cho tôm nuôi, đồng thời lập báo cáo chi tiết để xử lý các vấn đề kịp thời.
“Việt Úc rất mong muốn tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và chế biến tôm. Trong suốt 4 - 5 năm qua, chúng tôi đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến năm nay mới bắt đầu thu được lợi nhuận sau khi khấu hao. Trước đó, chỉ có lợi nhuận trực tiếp, vì nếu tính khấu hao đầu tư một nhà màng như thế này, phải mất 7 - 8 tỷ đồng cho một nhà màng”, ông Phi cho hay.
Mong muốn chuyển giao công nghệ nuôi tôm an toàn sinh học
Hiện nay, Việt Nam đứng top đầu về sản lượng tôm. Về mặt công nghệ, Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên cần lưu ý, mặc dù mật độ nuôi tôm cao có thể tăng sản lượng, nhưng nó cũng mang lại những rủi ro đáng kể đối với môi trường. Để đảm bảo bền vững, việc điều chỉnh mật độ nuôi và sử dụng các biện pháp quản lý hiệu quả là rất cần thiết.
Ông Phi phân tích, công nghệ nuôi tôm của Ecuador đứng đầu thế giới với một quy trình rất đơn giản, giống như mô hình quảng canh với mật độ 30 - 50 con/m2 là tối đa. Trong khi đó, ở Việt Nam, mật độ nuôi thường cao hơn, lên đến trên 200 con/m2.
“Một trong những thách thức của ngành tôm ở Việt Nam là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, do đó, để phát triển cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Nếu người dân sử dụng kháng sinh quá nhiều, ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng sẽ không muốn tiêu dùng sản phẩm không an toàn”, Phó Tổng giám đốc bày tỏ.
Việt Úc từ lâu đã mong muốn tạo ra một sản phẩm hoàn toàn không sử dụng kháng sinh từ nguồn giống cho đến sản phẩm cuối cùng, bằng cách áp dụng công nghệ cao nhất để tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Do đó, công ty đã thay đổi quan điểm và chuyển sang nuôi bền vững hơn từ năm ngoái, giảm mật độ nuôi từ 300 - 400 con/m2 xuống còn 200 - 250 con/m2. Trước đây, năng suất có thể đạt 60 - 70 tấn/hecta mỗi vụ và một năm trên 200 tấn/ha, nhưng tỷ lệ hủy tôm trong quá trình nuôi cũng cao, khoảng 20 - 30%.
Sau khi Tập đoàn chuẩn hóa quy trình, giảm mật độ nuôi tôm, không còn tình trạng phải hủy tôm nữa. Điều này đánh dấu một bước tiến vượt bậc của Việt Úc trong ngành công nghiệp tôm.
Doanh nghiệp mong muốn chia sẻ công nghệ với cộng đồng, nhưng đây không phải là điều đơn giản. Hiện nay, việc nuôi tôm đòi hỏi mức độ an toàn sinh học cao để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, trong khi yếu tố giá cả chỉ là tạm thời.
Ông Trình Trung Phi hy vọng sau năm 2025, Tập đoàn sẽ có được quy trình ổn định để triển khai các chương trình liên kết chuỗi cung ứng với bà con nông dân, chia sẻ công nghệ một cách cụ thể hơn. “Điều quan trọng không chỉ là công nghệ mà còn là ý thức và tầm nhìn chiến lược dài hạn của người nuôi”, ông Phi nhấn mạnh.
Sau khi thành công với chuỗi sản xuất, Việt Úc dự định chuyển giao công nghệ mới cho nông dân nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn cho ngành tôm. Công ty đã chọn Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa điểm để triển khai mô hình này. Mục tiêu của Việt Úc là làm sao sản xuất được con giống chất lượng, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vụ nuôi.
Ông Phi tin rằng trong 2 năm tới, khái niệm nuôi tôm sử dụng kháng sinh sẽ không còn tồn tại nữa. Hiện nay, lạm dụng kháng sinh đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, và việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm đã gây ra nhiều vấn đề. Trong khoảng 3 tháng qua, việc thả tôm có chứa kháng sinh đã khiến cho tôm chết chiếm tỷ lệ cao, lên đến 60 - 80% tùy theo địa phương.
Phó Tổng giám đốc diễn giải: “Lạm dụng kháng sinh không còn mang lại hiệu quả như trước. Quan trọng hơn là việc tạo ra môi trường nuôi tôm không cần dùng kháng sinh vẫn đảm bảo được hệ sinh thái. Một số trang trại lớn đã khẳng định rằng không thể nuôi tôm mà không sử dụng kháng sinh, nhưng Việt Úc tin rằng điều này là không đúng”.
Tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi môi trường đang diễn ra, nếu tiếp tục như vậy, không thể duy trì được nghề nuôi tôm bền vững. Do đó, Tập đoàn Việt Úc cam kết đồng hành cùng bà con nông dân và các cơ quan quản lý để phát triển ngành nuôi tôm bền vững hơn.