Ở vùng 'thủ phủ chăn nuôi' Đồng Nai, các trại nuôi đang rục rịch tái đàn, đẩy mạnh liên kết, chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, truy xuất nguồn gốc để tạo sản phẩm an toàn và chờ đợi cơ hội thị trường cuối năm…
Các trại nuôi rục rịch tái đàn, liên kết kiểm soát dịch bệnh đợi cơ hội cuối năm
Ở vùng ‘thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai, các trại nuôi đang rục rịch tái đàn, đẩy mạnh liên kết, chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, truy xuất nguồn gốc để tạo sản phẩm an toàn và chờ đợi cơ hội thị trường cuối năm…
MC: 6 tháng đầu năm, tình hình chăn nuôi tại Đồng Nai và nhiều tỉnh thành ở khu vực Đông Nam Bộ gặp nhiều khó khăn do chi phí thức ăn tăng cao, nhưng giá sản phẩm bán ra lại quá thấp khiến nhiều trại nuôi đã bỏ chuồng. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, tình hình giá cả được nhận định có nhiều khả quan hơn nên các trại nuôi heo, gà đã bắt đầu rục rịch tái đán trở lại để đón cơ hội cho thị trường cuối năm. Đồng thời, các trại nuôi cũng đẩy mạnh công tác liên kết chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, truy xuất nguồn gốc, đăng ký quản lý để tạo sản phẩm an toàn, tạo hàng hóa có lợi thế cạnh tranh.
Và để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam khu vực Đông Nam bộ thực hiện.
Hộ anh Nguyễn Xuân Hùng, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, mới đây đã bắt đầu thả lại 240.000 con gà trên 12 chuồng trên tổng số 16 chuồng của gia đình. Số còn lại, anh Hùng đang cho vệ sinh chuồng trại, tăng cường thêm đệm lót sinh học để chuẩn bị thả lứa gà tiếp theo.
Trước đó thì những sàn nuôi gà này được bỏ trống vì càng nuôi càng lỗ. Hơn nữa, nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, giá cả đầu ra bấp bênh, luôn đối diện với nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Anh NGUYỄN XUÂN HÙNG, Xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Trước đây giá gà quá thấp, chỉ có 19.000-20.000đ/kg, hiện giờ thì đã nhích lên một chút tầm 30-40.000đ/kg cho nên gia đình tôi quyết định tái đàn. Hiện giờ mới thả được 240 ngàn con, còn lại 4 chuồng đang bỏ trống tới đây sẽ thả nốt. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh thì mình phải vệ sinh sát trùng môi trường thật chặt vì vào mùa mưa này thì tỉ lệ dịch bệnh cao hơn so với mùa nắng.
Sau nhiều tháng giá heo hơi lao dốc chỉ còn 45-47.000/kg, những ngày đầu tháng 8 giá thu mua bắt đầu có sự khởi sắc trở lại ở mức hơn 60.000đ/kg. Theo người nuôi thì với mức giá này mới có thể có lãi và mới có động lực để tái đàn đợi thị trường cuối năm.
Ông NGUYỄN HỮU THẮNG, Xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Như ngày hôm nay là bắt đầu con heo mẹ nó đẻ ra là 6 tháng sau là đến cuối năm, thì chúng tôi cũng mong rằng là làm cả năm trông chờ vào cuối năm giá cả nó tốt người nông dân sẽ tạo ra cái lợn nhuận cao hơn. Trong lúc này, hiện nay giá nó cũng bắt đầu tốt lên rồi, tôi hy vọng là từ nay đến cuối năm thì giá nó tốt hơn nữa. Rất nhiều năm rồi, dịch bệnh đủ thứ có lúc bỏ chuồng mấy năm trời.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành chăn nuôi gia cầm, ông Lê Văn Quyết (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) quyết tâm chọn hướng liên kết sản xuất để đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Theo ông, chỉ có đẩy mạnh chuỗi liên kết mới có thể cạnh tranh, giúp người chăn nuôi đỡ áp lực về biến động chi phí đầu vào, nhất là đầu ra cũng được bao tiêu.
Ông LÊ VĂN QUYẾT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát
Chúng tôi liên kết lại với nhau thành chuỗi và thành một đơn vị đủ mạnh. Nếu chăn nuôi nhỏ lẻ không có sự liên kết, không tạo chuỗi thì chắc chắn sẽ bị triệt tiêu không bứt phá được. Hiện nay với chúng tôi nuôi gà theo chuỗi nó rất là ổn định, chúng tôi chỉ còn cố gắng chăn nuôi cho thật tốt để có sản phẩm tốt, để có năng suất tốt nhất, để có giá thành hạ nhất.
Một doanh nghiệp có đến khoảng 80% sản phẩm chăn nuôi được liên kết với các trang trại và HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P.Việt Nam (TP.Biên Hòa) đang đẩy mạnh sản xuất và hướng tới mức xuất khẩu 4 triệu con gà/tháng, mở ra hướng phát triển quy mô, bài bản và nâng cao giá trị cho sản phẩm chăn nuôi Đồng Nai.
Ông LÊ XUÂN HUY, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam
Công ty có hai hệ thống chăn nuôi, một chăn nuôi liên kết, hai là hệ thống chuồng thuê để đáp ứng được sản xuất của mình một ổn định về số lượng đưa ra thị trường. Phát triển bền vững bao giờ cũng ưu tiên cho những người liên kết với công ty. Mùa nào cũng có dịch, không có dịch này thì cũng có dịch kia thành ra vấn đề an toàn sinh học lúc nào cũng phải ở một trạng thái cao. Công ty cũng biết tất cả nó sẽ lây lan như thế nào, đường đi lây bệnh như thế nào, công ty sẽ làm tất cả mọi thứ để giữ đàn gia súc gia cầm của mình không xảy ra bệnh dịch.
Theo sở NN-PTNT tỉnh Đổng Nai, số lượng thả mới đàn heo – gà trên địa bàn, đến thời điểm này ghi nhận đã tăng lên khoảng gần 20% so với 6 tháng đầu năm. Chủ trương của Đồng Nai luôn duy trì số lượng và chất lượng sản xuất gia cầm để đảm bảo cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông TRẦN LÂM SINH, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai
Hiện nay với mức giá như vậy là cũng đã có lợi nhuận, nếu như duy trì cái mức giá như hiện nay, với điều kiện từ nay cho đến cuối năm cái tín hiệu thị trường nó không thay đổi mạnh theo chiều hướng xấu…Để phát triển đàn thì sẽ kết nối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài để hình thành nên các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Cục Chăn nuôi cũng cho biết, ước tính tổng đàn heo của cả nước đến thời điểm cuối tháng 6 khoảng 26 triệu con, tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Theo nhận định của Cục chăn nuôi nhận định, trong những tháng cuối năm, nhu cầu thị trường sẽ tăng nên giá của các sản phẩm chăn nuôi như heo – gà có thể tiếp tục tăng. Đây chính là động lực để các hộ nông dân tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
MC: Thưa quý vị, để ổn định thị trường và giúp người nuôi yên tâm tái đàn, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm bớt khó khăn như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi để kéo giảm giá bán ra; hỗ trợ cho vay vốn tín dụng với điều kiện cởi mở linh động hơn để các trại nuôi có thể hấp thụ vốn.
Phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện đến đây cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.