| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Đồng Nai trước sứ mệnh mới [Bài 1]: Liên kết chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thứ Năm 24/08/2023 , 13:33 (GMT+7)

Quản lý và đảm bảo an toàn dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dễ dàng, do đó, Đồng Nai đang sắp xếp lại phù hợp theo hướng liên kết, khép kín...

Thách thức từ 10% chăn nuôi nhỏ lẻ

Trao đổi về tình hình chăn nuôi nông hộ của tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết: “Chăn nuôi nông hộ hiện là thách thức đối với công tác quản lý của chúng tôi!”.

Theo bà Mai, tổng đàn heo của Đồng Nai đạt hơn 2,69 triệu con, gà khoảng 25,5 triệu con, các loại vật nuôi khác như trâu, bò khoảng 98.000 con, hơn 2,2 triệu con thủy cầm và hơn 8 triệu con chim cút.

Tỉ lệ chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm 10% còn lại.

Đồng Nai hiện còn khoảng 22.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm tỉ lệ 10% trong chăn nuôi của tỉnh. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai hiện còn khoảng 22.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm tỉ lệ 10% trong chăn nuôi của tỉnh. Ảnh: Lê Bình.

“Những tưởng 10% rất nhỏ nhưng vấn đề ở việc mỗi nông hộ nuôi vài con, vài chục con sẽ ra số hộ chăn nuôi rất lớn. Đơn cử như 10% của đàn heo đã là khoảng 269.000 con, còn gà là 2,5 triệu con…

Đồng Nai hiện có hơn 22.000 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Để quản lý tốt dịch bệnh được số này không phải chuyện dễ dàng”, bà Mai thông tin.

Còn ông Thân Văn Cẩn, Trưởng phòng Phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai bày tỏ: Ở bất kì địa phương nào, khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn ở mức cao sẽ tỉ lệ thuận với nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn hạn chế.

Ngoài việc thiếu tính ổn định và bấp bênh về đầu ra, chăn nuôi nhỏ lẻ còn là kẽ hở, dễ bị dịch bệnh tấn công. Ảnh: Minh Sáng.

Ngoài việc thiếu tính ổn định và bấp bênh về đầu ra, chăn nuôi nhỏ lẻ còn là kẽ hở, dễ bị dịch bệnh tấn công. Ảnh: Minh Sáng.

“Chưa kể, các dịch bệnh tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm… tiềm ẩn nhiều rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, phần nào đã tác động đến hoạt động chăn nuôi.

Nếu cơ sở chăn nuôi không theo mô hình khép kín, nhỏ lẻ và có những vùng đệm, cách ly rất khó trụ vững trước nguy cơ dịch bệnh”, ông Cẩn chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, chăn nuôi nhỏ lẻ đang bộc lộ ngày càng nhiều những hạn chế. Những điều này như “vết dầu loang”, càng duy trì hậu quả là điều dễ nhận thấy trong tương lai gần.

Cụ thể theo ông Quyết, với chăn nuôi nhỏ lẻ nguồn thức ăn cho vật nuôi không được kiểm soát. Do chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nên ổ dịch chủ yếu tái phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hơn nữa, tâm lý không khai báo thú y địa phương mà tự ý giết mổ, tiêu thụ ra thị trường cũng khiến dịch bệnh khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Không xử lý chất thải, nước thải, mà xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh... dịch bệnh càng dễ lây lan.

“Do đó, với nhu cầu hiện tại và đảm bảo an toàn, chăn nuôi nhỏ lẻ không còn phù hợp, thiếu an toàn dịch bệnh. Chưa hết, hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi này còn chưa cao. Bởi, diện tích sử dụng cao mà năng suất lại thấp, đầu ra bếp bênh lại còn bị ép giá… Theo xu thế, xu hướng chăn nuôi này sẽ không còn phù hợp vì bị đào thảo bởi những yêu cầu ngày càng thực tế hơn từ xã hội”, ông Lê Văn Quyết khẳng định.

Chăn nuôi liên kết, hướng đi tất yếu

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, một trong những yêu cầu bắt buộc và hướng đi sắp tới của ngành chăn nuôi tỉnh là theo hướng liên kết, khép kín và có đầu ra. Đây không chỉ là định hướng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà có hướng tới sự lâu dài hơn.

Anh Nguyễn Xuân Hùng (ngụ tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) vừa tái đàn lứa gà lông trắng để kịp cung cấp thường xuyên cho thị trường. Với 16 chuồng, gia đình anh Hùng đã nuôi gà tại 12 chuồng với tổng số 240.000 con. 4 chuồng còn lại, anh Hùng đang cho vệ sinh lại chuồng trại, lót đệm sinh học để chuẩn bị thả lứa gà tiếp theo.

Trang trại gà quy mô 16 chuồng của anh Nguyễn Xuân Hùng. Ảnh: Lê Bình.

Trang trại gà quy mô 16 chuồng của anh Nguyễn Xuân Hùng. Ảnh: Lê Bình.

Trước đây, gia đình anh Hùng cũng nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, giá cả đầu ra bấp bênh và luôn đối diện với nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Từ khi tìm hiểu và liên kết với Công ty De Heus Việt Nam, cha con anh Hùng đã mạnh dạn vay vốn và đầu tư quy mô lớn, sản xuất ổn định.

“Mình nuôi theo hình thức khép kín, con giống được phía công ty tiêm phòng vacxin ngay từ trước khi bàn giao cho trang trại. Từng vấn đề ăn uống, vệ sinh, khử khuẩn… đều được công ty đào tạo rất kĩ. Nuôi với số lượng lớn theo hình thức khép kín thế này mình thấy yên tâm hơn, không lo về dịch bệnh và đầu ra”, anh Hùng chia sẻ.

Nhờ tập trung vào nuôi công nghệ cao, đàn gà của anh Hùng được bảo vệ an toàn dịch bệnh ngay từ khi ấp nở đến lúc xuất chuồng. Ảnh: Minh Sáng.

Nhờ tập trung vào nuôi công nghệ cao, đàn gà của anh Hùng được bảo vệ an toàn dịch bệnh ngay từ khi ấp nở đến lúc xuất chuồng. Ảnh: Minh Sáng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cũng đang triển khai xây dựng 2 mô hình chăn nuôi heo hữu cơ theo chuỗi liên kết tại xã Ngọc Định, huyện Định Quán với tổng đàn là 20 con heo nái.

Hiện đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt, 20 heo nái đã sinh sản với 188 con heo con và heo thịt. 17 con có trọng lượng khoảng 80 - 99kg chuẩn bị xuất chuồng.

Đến nay, 17 con heo thịt đã được Quế Lâm thu mua theo hợp đồng ký kết giữa hai bên với mức giá cố định là 63.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, ngành chăn nuôi của tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp với 61,8%. Trong đó, 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Vậy nên, Đồng Nai vẫn chủ trương duy trì số lượng và chất lượng sản xuất gia cầm để đảm bảo cung cấp cho thị trường, tuy nhiên sẽ phát triển bài bản hơn.

Chăn nuôi trang trại liên kết và ứng dụng công nghệ cao là con đường tất yếu mà ngành chăn nuôi Đồng Nai hướng tới. Ảnh: Lê Bình.

Chăn nuôi trang trại liên kết và ứng dụng công nghệ cao là con đường tất yếu mà ngành chăn nuôi Đồng Nai hướng tới. Ảnh: Lê Bình.

Định hướng chăn nuôi của Đồng Nai là tiếp tục phát triển theo hướng trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng Nai đặc biệt chú ý đến việc chăn nuôi phải đạt chuẩn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chuỗi khép kín. Đây là những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

“Đến nay, Đồng Nai đã có 7 vùng được công nhận vùng an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle gồm: Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành và TP. Long Khánh.

Bên cạnh đó, 11 xã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 655 trang trại chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh,…”, ông Sinh cho hay.

Toàn tỉnh Đồng Nai có 126 trang trại và 7 tổ hợp tác với 53 hộ thành viên đã được chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng thịt được chứng nhận VietGAP là 123.988 tấn, tổng sản lượng trứng gà thương phẩm được chứng nhận VietGAP là 283 triệu quả. Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng đang lên kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh mẽ hệ thống trang trại có chứng nhận VietGAP để nâng tầm và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Vụ dưa hấu 'đắng'

Thời tiết bất lợi cùng giá xuống quá thấp khiến người trồng dưa hấu ở vùng biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ ruộng, chẳng buồn thu hoạch.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.