Cứng rắn để chuyển đổi bền vững
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường luôn khiến cho các ngành chức năng của địa phương này gặp không ít khó khăn.
Cuối năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nghị quyết buộc hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Thời gian thực hiện trước ngày 1/1/2025. Quyết định cứng rắn trên của Đồng Nai nhằm đảm bảo chăn nuôi đúng quy hoạch và bảo vệ môi trường. Hiện, các cơ sở chăn nuôi heo, gà tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất, Vĩnh Cửu.
Theo phản ánh của người dân, trang trại bà Đoàn Thị Thảo tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất xả thải ra môi trường, gây mùi hôi thối, khó chịu. Kết quả kiểm tra của UBND xã Hưng Lộc, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất ghi nhận, trang trại này để nước thải chăn nuôi chảy trực tiếp ra suối, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, quản lý trang trại giải trình rằng do trời mưa, hồ chứa bị đầy nên buộc phải xả tràn hồ chứa ra suối. Đáng nói, trang trại này hồi tháng 4/2023 cũng bị UBND huyện Thống Nhất xử phạt hành chính hơn 22,5 triệu đồng cũng về hành vi xả thải ra môi trường. Quyết định xử phạt cũng yêu cầu trang trại của bà Thảo khắc phục tình trạng trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, chưa khắc phục nhưng trang trại này lại một lần nữa xả chất thải chăn nuôi ra môi trường.
Ông Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho biết, đây là cơ sở tái phạm rất nhiều về quy định bảo vệ môi trường. Sắp tới địa phương sẽ có những hành động cụ thể, cương quyết với chủ trang trại.
"Chúng tôi sẽ làm việc với phía công ty mà trang trại bà Đoàn Thị Thảo đang nuôi gia công để thông báo không cho tái đàn heo lứa tiếp theo. Chúng tôi cũng sẽ thu hồi giấy phép chăn nuôi của hộ này do nhiều lần cố tình vi phạm về môi trường cũng như không khắc phục sự cố", ông Hưng cho hay.
UBND huyện Thống Nhất cũng cho biết, thời gian qua, địa phương cũng đã kiểm tra và xử phạt 18 cơ sở chăn nuôi xả thải trực tiếp ra sông suối, gây hôi thối và ô nhiêm môi trường. Không riêng gì Thống Nhất, tại nhiều địa phương khác, không ít hộ chăn nuôi vẫn thờ ơ trước quy định và xả thải ra môi trường. Các chế tài hiện hành dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, cùng với việc bố trí lại một số ngành phát triển chủ lực của tỉnh nhằm phát triển bền vững thì chăn nuôi cũng phải nằm trong lộ trình chung đó. Không thể vì chăn nuôi mà đánh đổi lấy môi trường và an toàn dịch bệnh.
“Đồng Nai sẽ nói không với việc đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Do đó, không chỉ riêng chăn nuôi mà chúng tôi sẽ còn cương quyết xử lý với nhiều ngành sản xuất khác nữa. Mặt khác, Đồng Nai cũng đang thúc đẩy phát triển du lịch nên môi trường trong lành là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu”, ông Phi thông tin.
Liên kết đủ lớn để cạnh tranh
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành chăn nuôi gia cầm, ông Lê Văn Quyết (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) nhận thấy rõ từng thay đổi trong việc chăn nuôi tại Đồng Nai. Từ hàng chục năm trước, ông Quyết tin rằng, việc liên kết sản xuất và “mượn vai người khổng lồ” sẽ là xu thế tất yếu.
Nghĩ là làm, ông nâng mức quy mô chăn nuôi và ngỏ lời với một doanh nghiệp nước ngoài để thu mua sản phẩm. Thế nhưng, yêu cầu đầu tiên mà ông phải đáp ứng là cung cấp đủ 35.000 con gia cầm mỗi ngày cho doanh nghiệp. Thế nhưng, khi ấy tổng đàn của ông cũng chỉ có khoảng 37.000 con gà lông trắng mỗi lứa.
Vốn ít khiến ông Quyết gặp khó khăn khi đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ông liền liên kết với các hộ chăn nuôi khác, thành lập HTX và quyết chơi lớn, vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ cao.
Ông Quyết đi thăm một số trang trại nuôi gà theo mô hình kín và nhận thấy ở trang trại này không có mùi hôi, mát mẻ, đặc biệt đảm bảo vấn đề an toàn dịch bệnh. Ông liền quyết định triển khai, xây dựng trang trại gà theo mô hình khép kín. Những trang trại này sử dụng hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của con gà.
“Phải đầu tư như thế tôi và những anh em trong HTX mới có thể chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và tác nhân gây bệnh cho gà từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất chăn nuôi tăng gấp 3 lần so với mô hình nuôi thông thường”, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho hay.
Hiện, mỗi ngày HTX của ông Quyết cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con gà và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ông Quyết còn đang mở thêm một trang trại công nghệ cao nữa tại Xuân Lộc, dự kiến cung cấp ra thị trường 1,2 triệu con gà mỗi năm.
Tương tự, ông Lê Văn Thọ (chủ trại gà công nghiệp ở xã Long Đức, huyện Long Thành) chia sẻ: “Gia đình tôi cũng đầu tư vào trang trại khép kín. Nhờ vào chuỗi liên kết, người chăn nuôi đỡ áp lực cả về biến động chi phí đầu vào, nhất là đầu ra cũng được bao tiêu với giá người chăn nuôi có lợi nhuận. Tất cả các sản phẩm đều đảm bảo an toàn dịch bệnh và hướng tới xuất khẩu”.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) đang đẩy mạnh sản xuất và hướng tới mức xuất khẩu 4 triệu con gà/tháng. Đáng nói, có đến khoảng 80% sản phẩm chăn nuôi được liên kết với các trang trại và HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Điều này càng mở ra hướng phát triển quy mô, bài bản và nâng cao giá trị cho sản phẩm chăn nuôi Đồng Nai.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, việc càng ngày có thêm nhiều mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi cho thấy tỉnh đang đi đúng hướng.
“Với những mô hình liên kết, sản phẩm luôn được đảm bảo tiêu thụ ổn định, tập trung ở khu vực nhất định, ít dịch bệnh và dễ kiểm soát… Việc các trang trại đang chủ trương áp dụng những khoa học công nghệ vào chăn nuôi, tiệm cận với những tiến bộ quốc tế càng mở ra cơ hội xuất khẩu, đem sản phẩm chăn nuôi Đồng Nai vươn xa hơn”, ông Sinh chia sẻ.
Đồng Nai sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ chi phí di dời 4 triệu đồng/cơ sở, quy mô vừa và trang trại quy mô lớn được hỗ trợ chi phí di dời 6 triệu đồng/cơ sở.
Về vay đầu tư đối với dự án chăn nuôi mới sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay theo hợp đồng vay vốn trong 2 năm đầu, 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ 3. Mức hỗ trợ lãi suất trong 3 năm không quá 300 triệu đồng đối với trang trại quy mô lớn, 150 triệu đồng đối với trang trại quy mô vừa, 60 triệu đồng đối với trang trại quy mô nhỏ.